Đó là nhận định của ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về thực trạng, biện pháp để giảm thiểu ùn tắc TNGT.
Ông đánh giá thế nào về hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam hiện nay? - Sống ở Việt Nam gần 23 năm, trong đó, 15 năm gắn bó với công tác ATGT, tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đến thời điểm này, Việt Nam đã có được hệ thống hạ tầng giao thông đáp ứng được nhu cầu giao thông, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa, sự gia tăng của các loại xe cơ giới đang khiến hệ thống này ở Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế như: Thiếu phần đường dành cho người đi bộ, không có đủ chỗ đỗ xe, tình trạng tắc đường xảy ra thường xuyên, số người chết vì TNGT vẫn cao… Vậy, làm thế nào để khắc phục tình trạng này? - Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang triển khai nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng ùn tắc và TNGT. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, có 2 vấn đề Việt Nam cần làm ngay để khắc phục tình trạng này. Thứ nhất, phát triển mở rộng những con đường, tạo lối đi dành riêng cho người đi bộ, phát triển hệ thống kiểm soát giao thông và hệ thống giao thông công cộng... Thứ hai, tăng cường tuyên truyền để hình thành văn hóa giao thông cho người tham gia giao thông. Trong đó, văn hóa giao thông là yếu tố then chốt. Bởi, nếu hệ thống hạ tầng có tốt đến đâu mà ý thức tham gia giao thông không tốt thì tình trạng ùn tắc và TNGT vẫn sẽ tiếp tục xảy ra. Là chuyên gia nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ATGT, ông có "kế sách" gì để đóng góp xây dựng văn hóa giao thông tại Việt Nam? - Bất cứ một xã hội nào cũng có một quy chuẩn, quy tắc riêng bắt buộc những thành viên trong xã hội đó phải tuân thủ, bởi nếu một người không tuân thủ sẽ ảnh hưởng đến tất cả những thành viên khác trong xã hội. Nói một cách thẳng thắn, Việt Nam chưa xây dựng được ý thức khi tham gia giao thông cho người dân, dẫn đến chưa thể hình thành văn hóa giao thông. Tại các thành phố lớn, mỗi khi tham gia giao thông người ta chỉ nghĩ đến mình chứ chưa nghĩ đến những người khác, dẫn đến không có ý thức nhường nhịn và kiểm soát những hành vi của mình. Đặc biệt, những người trẻ khi vi phạm Luật Giao thông như không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu… họ nghĩ đó là sành điệu, nhưng thực tế nhiều người cùng vi phạm một lúc sẽ làm cả hệ thống đi theo hướng lộn xộn. Để nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen khi tham gia giao thông, hình thành văn hóa giao thông trong cộng đồng là vấn đề hết sức phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp lâu dài và chặt chẽ của nhiều ban ngành. Bởi, tất cả những hành vi vi phạm Luật Giao thông của mỗi người đều phải được bắt đầu từ giáo dục, việc giáo dục cho chính những người tham gia giao thông hiểu những hành vi của họ không chỉ ảnh hưởng đến họ mà còn đang ảnh hưởng đến những người khác. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động khác nhau để thay đổi hành vi của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, đây không phải là việc có thể làm trong một thời gian ngắn. Do vậy, trước mắt để tạo cho mọi người ý thức tham gia giao thông có văn hóa thì biện pháp tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông là điều cần thiết, bởi ai cũng sợ mất tiền. Về lâu dài, muốn xây dựng một thế hệ có ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông thì ngay từ bây giờ hãy bắt đầu giáo dục từ các trường học và mỗi gia đình với việc giáo dục con, em từ độ tuổi nhỏ nhất. Sau quá trình hỗ trợ Việt Nam giảm thiểu thương vong do TNGT, ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các chương trình, dự án hợp tác giữa hai bên và kế hoạch trong thời gian tới? - Sau một thời gian, Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á hoạt động ở Việt Nam, chúng tôi đã phối hợp khá tốt với Chính phủ Việt Nam và các tổ chức khác trong việc giảm thiểu thương vong. Điều đó thể hiện rõ qua số người chết và bị thương vì TNGT đang giảm dần theo từng năm. Trong thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh triển khai các dự án giảm thiểu thương vong do TNGT, chúng tôi còn tập trung tuyên truyền cho người dân về hiệu quả của việc đội mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn. Nếu làm tốt được điều này sẽ là liều "vaccine" phòng chống chấn thương sọ não mỗi khi TNGT xảy ra. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các tổ chức khác ở Việt Nam cùng tuyên truyền để người tham gia giao thông tự giác chấp hành việc thắt dây an toàn khi đi ô tô, đã uống rượu bia thì không lái xe… Xin cảm ơn ông!
Dù đã phân làn nhưng nhiều phương tiện giao thồng vẫn vi phạm trên đường phố Huế. Ảnh: Hải Linh |