Xử phạt người đi bộ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng: Cần thiết, nhưng không dễ thực hiện

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Khoản 3, Điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, người đi bộ sai quy định gây TNGT nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 7 đến 15 năm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định này là cần thiết, nhưng không dễ để triển khai rộng rãi.
Xử lý còn bất cập

Khi tham gia giao thông, mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật, không thể cứ xe to phải đền xe nhỏ, bất kể đúng sai. Từ đó, có thể khẳng định, việc Bộ Luật Hình sự mở rộng đối tượng phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, việc xử lý vấn đề này được dự báo sẽ đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Còn nhớ, đầu năm 2016, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đã tổ chức ra quân xử lý người đi bộ vi phạm các quy định của luật giao thông. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, chiến dịch này nhanh chóng rơi vào quên lãng. Bởi khi thực hiện nhiệm vụ, cơ quan chức năng xử lý với số lượng rất lớn người vi phạm, trong khi đó, chế tài xử lý, đặc biệt với những trường hợp không mang theo giấy tờ, không mang theo tiền còn nhiều bất cập.

Bỏ qua sự tồn tại của cầu bộ hành, người đi bộ vẫn thản nhiên di chuyển dưới lòng đường. (Ảnh chụp tại phố Chùa Bộc, đoạn qua Học viện Ngân hàng). Ảnh: Công Trình

Trao đổi với chúng tôi, một số chiến sỹ thuộc Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội chia sẻ, với các phương tiện khác, nếu người điều khiển phương tiện không mang theo giấy tờ, lực lượng chức năng sẽ tiến hành tạm giữ phương tiện. Tuy nhiên, đối với người đi bộ vi phạm luật giao thông, nếu chủ thể vi phạm không mang theo giấy tờ, không mang theo tiền, lực lượng CSGT cũng chỉ còn cách... nhắc nhở.

Phải công bằng và minh bạch

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Vũ Hồng Hoa - HTX Luật Đống Đa cho rằng, việc tăng chế tài xử phạt hành vi vi phạm luật giao thông gây hậu quả nghiêm trọng là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, để áp dụng các quy định này vào thực tiễn sẽ không đơn giản.

Theo lý giải của Luật sư Vũ Hồng Hoa: Trong trường hợp người đi bộ vi phạm ở những tuyến đường cấm đi bộ thì hành vi vi phạm đã quá rõ ràng, không có gì để bàn cãi. Tuy nhiên, nếu người đi bộ liên quan đến TNGT ở đường hỗn hợp, có nhiều phương tiện cùng tham gia vào thời điểm xảy ra tai nạn thì việc xác định lỗi của ai là điều không hề đơn giản.

Đồng quan điểm trên, một số chuyên gia cho rằng, hiện nay, hạ tầng giao thông ở Hà Nội chưa đồng bộ, một số vỉa hè quá hẹp, diện tích dành cho người đi bộ gần không có. Tại các khu vực đông dân cư, gần các trường đại học, trung tâm thương mại, cầu vượt, điểm mở dành cho người đi bộ qua đường còn quá ít, không bảo đảm khoảng cách, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, tại một số tuyến đường, vỉa hè bị các hộ dân chiếm dụng buôn bán, phần diện tích dành cho người đi bộ không đạt chuẩn khiến người đi bộ buộc phải di chuyển xuống lòng đường. Như vậy, trong trường hợp này, ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm. Từ thực tế trên, nhiều người cho rằng, trước khi áp các quy định đó vào thực tiễn, các cơ quan chức năng phải đảm bảo được các điều kiện cần và đủ để người đi bộ có khả năng tuân thủ các quy định của luật giao thông. Thậm chí, cần xem xét trách nhiệm của các đơn vị chức năng trong việc bố trí các làn đường, phần đường dành cho người đi bộ chưa đồng bộ.
Theo Khoản 3, Điều 260 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, người nào tham gia giao thông vi phạm các quy định làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 7 – 15 năm.
Theo Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, từ ngày 1 – 24/2/2016 (đợt cao điểm ra quân xử lý người đi bộ vi phạm luật giao thông), đơn vị này đã kiểm tra, xử lý 542 trường hợp vi phạm, phạt thành tiền hơn 38 triệu đồng. Trong đó, các hành vi vi phạm chủ yếu: Sang đường không đúng nơi quy định (288 trường hợp); mang vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông (82 trường hợp); đi không đúng phần đường quy định (67 trường hợp)…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần