Xét xử sơ thẩm giai đoạn II “Đại án DABank”: Bị cáo Trần Phương Bình gây thiệt hại hơn 8.800 tỷ

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là 1 trong nhiều đại án đã được khởi tố ở giai đoạn II, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.

Triệu tập hơn 160 cá nhân, tổ chức
Sáng 23/6, TAND TP Hồ Chí Minh đưa vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DABank) ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trần Phương Bình (SN 1959, nguyên Tổng Giám đốc, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch HĐTD DABank). Cùng bị xét xử trong vụ án này, còn có 11 đồng phạm với vai trò giúp sức bị cáo Bình, bị truy tố tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Bị cáo Trần Phương Bình bị xử chung thân (giai đoạn I), vì gây thiệt hại 3.608 tỷ. Nay tiếp tục bị xét xử giai đoạn II do cùng đồng phạm gây thiệt hại hơn 8.800 tỷ đồng của DABank.
11 đồng phạm của bị cáo Bình, gồm: Nguyễn Thị Ngọc Vân (nguyên Phó Tổng Giám đốc DABank); Nguyễn Đức Tài, Nguyễn Chí Công (nguyên Giám đốc DABank, nguyên Phó Trưởng Phòng tín dụng DABank Sở giao dịch); Phạm Huy Luận, Vũ Đức Dũng và Nguyễn Văn Bảo (nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc và Trưởng Phòng tín dụng DABank chi nhánh quận 4); Nguyễn Quang Thọ, Phạm Chiến Quốc (nguyên Phó Giám đốc, nguyên Trưởng Phòng tín dụng DABank chi nhánh quận 9); Nguyễn Tăng Ngọc Linh, Nguyễn Chí Thiện (nguyên Phó giám đốc, nguyên cán bộ DABank chi nhánh quận 10); Phùng Ngọc Khánh (nguyên Chủ tịch Công ty Cổ phần M&C).
Vụ án này gây thiệt hại cho DABank hơn 8.800 tỷ đồng, được xem là giai đoạn II “Đại án DABank”. Đây là 1 trong nhiều vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng - theo dõi, chỉ đạo.
Tại phiên sơ thẩm giai đoạn II, tòa án triệu tập 163 công ty, cá nhân là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong số này có 11 bị án ở giai đoạn I. Ngoài ra, tòa cũng triệu tập 5 Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự tại TP Hồ Chí Minh; các tỉnh: Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Tây Ninh và Tổ Giám định thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Phiên tòa sẽ kéo dài hơn 20 ngày
Cáo trạng xác định trong khoảng thời gian từ năm 2007 - 2013, với vai trò Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐTD DABank, ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo các hoạt động tín dụng, ngân quỹ, đầu tư tại DABank, lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định Luật Kế toán, Luật Các tổ chức tín dụng và điều lệ của DABank, gây thiệt hại hơn 8.800 tỷ đồng.
Ông Trần Phương Bình là chủ mưu, chỉ đạo cấp dưới cho nhóm khách hàng Hiệp Phú Gia vay tiền gây thiệt hại trên 3.326 tỷ đồng, nhóm khách hành Đồng Tiến vay tiền gây thiệt hại 393 tỷ đồng, nhóm khách hành M&C vay tiền gây thiệt hại 3.949 tỷ đồng, nhóm Tân Vạn Hưng vay tiền gây thiệt hại 1.010 tỷ đồng…
Ngoài ra, ông Bình có hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua chỉ đạo thuộc cấp xuất quỹ sai nguyên tắc 75 tỷ đồng nhằm trả nợ các khoản vay cá nhân và sử dụng vào mục đích riêng. Song song đó, ông Bình còn chỉ đạo cấp dưới cho 2 tổ chức, 5 cá nhân thuộc nhóm Hiệp Gia Phú vay 11 khoản với tổng số tiền 1.820 tỷ đồng và xuất quỹ chi 78 tỷ đồng để sử dụng, 1.735 tỷ đồng mua 5 tài sản của nhóm TTC và 163 tỷ đồng sử dụng cho mục đích khác. Sau đó, ông Bình chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ thu khống 1.349 tỷ đồng trả nợ cho 30 khoản vay liên quan đến việc mua 5 tài sản của nhóm TTC, đầu tư dự án Ricland Hill… gây thiệt hại 886 tỷ đồng.
Phiên tòa sơ thẩm giai đoạn II “Đại án DABank” dự kiến kéo dài từ ngày 23/6 đến ngày 15/7.
3.608 tỷ đồng thiệt hại ở giai đoạn I xử lý ra sao?
Trước đó, ở giai đoạn I của đại án, có 26 bị cáo, trong đó bị cáo Trần Phương Bình đã bị HĐXX phiên phúc thẩm TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh diễn ra tháng 6/2019, tuyên y án sơ thẩm với mức chung thân về các tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại DABank, với số tiền thiệt hại hơn 3.608 tỷ đồng.
Theo đó, Trần Phương Bình chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều thủ đoạn, chiếm đoạt trên 1.160 tỷ đồng để mua hơn 74,2 triệu cổ phần (CP) của DABank đứng tên mình và người thân (vợ là bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng Giám đốc Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận; bố bà Dung; các con của ông Bình và bà Dung); 437 tỷ đồng và 650 lượng vàng chi lãi ngoài; hơn 24 triệu USD và hơn 15.000 lượng vàng trong việc kinh doanh ngoại hối và kinh doanh vàng tài khoản trái phép. Hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của bị cáo Trần Phương Bình là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng tổng tài sản thực tế tại DABank vào thời điểm 31/12/2015 chỉ còn 47.011 tỷ đồng. Trong khi, ngân hàng lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng.
Bản án giai đoạn I cũng tuyên phần trách nhiệm dân sự, bị cáo Trần Phương Bình bồi thường hơn 3.568 tỷ đồng; tịch thu tất cả CP cùng các tài sản của bị cáo Bình và các bị cáo khác đứng tên giúp…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần