Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xử trí kịp thời khi bị say nắng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang trong những ngày nắng nóng gay gắt, nên bị say nắng, say nóng khó tránh khỏi. Nguyên nhân say nắng do người bệnh đi quá lâu dưới trời nắng làm rối loạn điều hòa thân nhiệt, cơ thể bị mất nước trầm trọng...

Nếu không xử trí kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục và dẫn đến tử vong.

Triệu chứng và cách sơ cứu

Một đặc điểm chung là cả say nóng và say nắng đều dẫn đến một tình trạng tăng thân nhiệt. Khi thân nhiệt tăng sẽ dẫn tới tăng quá trình đào thải mồ hôi làm cơ thể mất một lượng nước lớn. Hiện tượng này nếu không được bù kịp thời sẽ dẫn tới hậu quả giảm khối lượng tuần hoàn gây trụy tim mạch, rối loạn chất điện giải nặng có thể gây tử vong. Một yếu tố nguy cơ nữa khi nhiệt độ cơ thể tăng cao sẽ gây rối loạn hoạt động chức năng của rất nhiều cơ quan như tim mạch, hô hấp, thần kinh.

Triệu chứng đặc trưng của sốc nhiệt là nhiệt độ trung tâm của cơ thể cao hơn 40,5oC. Thường ngất xỉu có thể là dấu hiệu đầu tiên.

Triệu chứng của say nắng thường không điển hình, đôi khi kín đáo lúc khởi phát, những triệu chứng này giống nhiễm virus bao gồm mệt mỏi, yếu cơ, suy nhược, nôn và buôn nôn, đau đầu và đau cơ, hoa mắt, chuột rút, nhiệt độ thường trên 37oC, dưới 40oC. Một số triệu chứng khác có thể xảy ra như giảm khả năng đánh giá, cử chỉ kỳ cục, ảo giác, thay đổi ý thức, lẫn lộn, mất định hướng và hôn mê, co giật.

Việc chữa trị nhằm hạ nhanh thân nhiệt và kiểm soát các tác động thứ phát. Theo đó, cần khẩn trương đưa bệnh nhân vào chỗ mát, thoáng khí, cởi bỏ quần áo, phun hoặc lau nước mát khắp người, sử dụng quạt tốc độ lớn. Bệnh nhân nên nằm nghiêng hoặc được đỡ ở tư thế tay chống gối để bề mặt da hứng được càng nhiều gió càng tốt. Ngoài ra còn có các biện pháp khác như sử dụng khăn ướt lạnh để đắp nách, bẹn, khuỷu tay, cổ, ngâm cả bàn tay và cẳng tay vào nước mát, cho uống nước đường nhạt pha thêm ít muối. Nếu sau một giờ, thân nhiệt xuống tới 39oC là đạt hiệu quả, sau đó tiếp tục theo dõi bệnh nhân trong vòng 24 giờ tại cơ sở y tế để được khám và sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Cách phòng, chống

Để phòng, chống say nắng, say nóng vào mùa Hè, cần chú ý uống nhiều nước, ít nhất khoảng 8 cốc gồm nước lọc, nước trái cây hoặc nước rau mỗi ngày. Vì các tình trạng rối loạn liên quan tới nhiệt cũng có thể là hậu quả của mất muối, do vậy khuyến khích bổ sung đồ uống giàu chất điện giải trong các đợt nóng. Bên cạnh đó, nên ăn các loại thức ăn mát, các loại rau, củ, quả chứa nhiều kali như rau má, cà chua, rau đay, mồng tơi..., mặc quần áo rộng, thoáng mát, thoát mồ hôi.

Trang bị đầy đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính... Ngoài ra, thường xuyên tắm rửa cũng giúp cơ thể mát mẻ hơn trong những ngày Hè nắng nóng. Trẻ em, người lớn tuổi, người bệnh lâu ngày hoặc người uống rượu, bia chú ý không được phơi nắng, nóng lâu. Tránh các hoạt động vất vả ở nhiệt độ cao: Hoạt động thể chất mạnh, lao động nặng khiến nhiệt độ cơ thể tăng, thần kinh căng thẳng kết hợp với thời tiết nắng nóng rất dễ bị say nắng.

Người bệnh say nắng sau khi đã tỉnh không nên trở lại làm việc ngay mà cần nghỉ ngơi để sức khỏe hồi phục.