Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất hiện tội phạm buôn bán đàn ông, nội tạng người

Tin, ảnh: Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ buôn bán đàn ông sang Trung Quốc hoặc bán nội tạng người.

Thông tin cho biết tại buổi họp báo công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 30/7 hàng năm là "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người".
 Họp báo công bố Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người.
Họp báo công bố Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người.
Tại buổi họp báo do Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ tổ chức, diễn ra ngày 14/7, Đại tá Lê Văn Chương - Phó Cục trưởng Cục Tham mưu cảnh sát (Bộ Công an) cho biết, giai đoạn 2011-2015, cơ quan chức năng đã phát hiện  hơn 2.200 vụ, với 3.300 đối tượng, lừa bán gần 4.500 nạn nhân. So với cùng thời gian trước, tăng 11,6% tổng số vụ. Tội phạm mua bán người xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, không chỉ xảy ra mua bán phụ nữ, trẻ em mà đã phát hiện cả mua bán nam giới, trẻ sơ sinh, mua bán bào thai, mua bán nội tạng, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em…

Toà án nhân dân các cấp đã xét xử 1.032 vụ, với 2.084 bị cáo, trong đó, 3 bị cáo tuyên phạt tù chung thân; 152 bị cáo phạt tù từ 15-20 năm; 667 bị phạt tù từ 7 năm đến dưới 15 năm, 1.050 bị cáo phạt tù từ 7 năm trở xuống.

Điểm lại tội phạm mua bán nội tạng và đàn ông, Đại tá Lê Văn Chương cho biết, năm 2011, tại Cần Thơ, lực lượng công an đã bắt 7 đối tượng do Võ Văn Tần cầm đầu lừa 75 thanh niên đưa sang Trung Quốc bán thận. Trong số những người bán thận đã có một trường hợp tử vong. Do chưa có điều luật xử lý về hành vi mua bán nội tạng nên các đối tượng chỉ bị xử lý về tội tổ chức cho người khác đi nước ngoài trái phép.

“Với trường hợp mua bán đàn ông, chủ yếu các đối tượng lừa bán cho các chủ lò gạch, ở các khu vực hầm mỏ để lao động hoặc bán để lấy một bộ phận cơ thể. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ buôn bán đàn ông sang Trung Quốc hoặc bán vào các vùng khai thác khoáng sản” – Đại tá Lê Văn Chương cho biết.

Đặc điểm về tội phạm mua bán người, đa số là bọn cơ hội và một số có tiền án, tiền sự về mua bán người. Một số là người nước ngoài đến Việt Nam thông qua công ty môi giới vào nước ta dưới dạng tham quan, du lịch, thực hiện các hợp đồng, dự án kinh tế rồi móc nối, câu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia.

Bên cạnh đó, một số người từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác, kể cả những người thân trong gia đình. Một số người lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên giới hoặc kinh doanh các dịch vụ dọc biên giới để tham gia hoạt động phạm tội.

Nạn nhân của các vụ buôn bán người chủ yếu là nông dân ở những vùng sâu, vùng xa, đa phần có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, gặp những chuyện éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin. Bên cạnh đó, một số cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi, nên dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài...

Theo đại diện của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, ước tính, mỗi năm có khoảng 1,2 triệu trẻ em bị buôn bán trên toàn thế giới, và một phần ba số phụ nữ và trẻ em bị buôn bán trên thế giới xảy ra trong phạm vi Đông Nam Á hoặc xuất phát từ khu vực này. Nạn nhân bao gồm cả nam giới và trẻ em trai. Ước tính mỗi năm có hàng nghìn người Việt Nam bị buôn bán cả ở trong nước và ra nước ngoài.

Ước tính, hàng năm nạn buôn bán người diễn ra trên thế giới đem lại mức lợi nhuận bất hợp pháp khoảng hơn 32 tỷ USD. Tuy nhiên đây là con số được tính toán từ những vụ việc được phát hiện, còn thực tế cao hơn nhiều.