Xuất khẩu chuyển dịch sang nhóm hàng công nghiệp chế biến

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kim ngạch xuất khẩu (XK) năm 2020 phải chạm mốc 300 tỷ USD, xuất siêu phải đạt 15 -17 tỷ USD là những nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao cho Bộ Công Thương tại Hội nghị Tổng kết ngành công thương cuối tuần qua.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Khu công nghiệp Cần Thơ. Ảnh: Việt Dũng
Hàng Việt có mặt ở nhiều thị trường "khó tính"
Theo Bộ Công Thương, năm 2019, tổng quy mô ngoại thương của Việt Nam đã lên đến 516 tỷ USD, trong đó XK đạt 264 tỷ USD, qua đó đưa Việt Nam đứng thứ 22 thế giới về XK. Kim ngạch nhập khẩu năm 2019 ước đạt 253,5 tỷ USD, tăng 7%. “Cán cân thương mại năm 2019 ghi nhận mức xuất siêu lên đến 9,94 tỷ USD, góp phần làm cân bằng cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế” - Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ Công Thương là Bộ đi đầu trong cải cách hành chính, ban hành được nhiều chương trình điều kiện kinh doanh rất bài bản. Bộ Công Thương về đích sớm nhất trong việc cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% thủ tục hành chính, đi đầu trong ban hành nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh. Trong đó có nhiều nghị định được DN đánh giá cao như Nghị định về xuất khẩu gạo, kinh doanh gas…
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc
Năm 2019, Nhật Bản, Mỹ, EU, ASEAN... vẫn là những thị trường XK chủ lực, tuy nhiên, Việt Nam đã xuất siêu vào thị trường Mỹ vốn có yêu cầu khắt khe về chất lượng với 46,4 tỷ USD, EU gần 27 tỷ USD. Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng XK không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Cụ thể, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 4,5% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,33% tổng kim ngạch XK, cao hơn mức 82,87% của năm 2018 và 81% của năm 2017. XK tăng trưởng mạnh mẽ đã kéo theo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng 10 bậc, lên 67/141 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó nhiều trụ cột có đóng góp làm tăng thứ hạng Việt Nam.
Mặc dù kim ngạch xuất nhập khẩu khả quan nhưng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, XK chưa theo chiều sâu, chưa đạt tỷ trọng phát triển theo chuỗi giá trị như mong muốn; Tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp diễn ra chậm, chưa hình thành được các ngành công nghiệp mũi nhọn có vai trò dẫn dắt. Đặc biệt, số lượng các vụ điều tra về chống bán phá giá, cuộc tranh chấp thương mại khác với hàng hóa, sản phẩm Việt Nam tăng nhanh.
Đa dạng thị trường xuất khẩu
Năm 2020 ngành công thương đề ra chỉ tiêu kim ngạch XK tăng 7 - 8% so với năm 2019. Phân tích về mục tiêu XK ngành công thương đặt ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng đây là nhiệm vụ nặng nề bởi, tình hình quốc tế và khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, thuận lợi và thách thức đan xen. Kinh tế và thương mại toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng chậm với nhiều rủi ro như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng... ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Tự do hóa và mở cửa thị trường đi đôi với những hình thức bảo hộ tinh vi hơn thông qua những hàng rào kỹ thuật của nhiều nước, sẽ tác động trực tiếp đến thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu; cũng như tác động đến các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm, thu nhập, đời sống của người dân...
Ghi nhận những kết quả mà ngành công thương đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao cho Bộ Công Thương 3 mục tiêu cần hoàn thành trong năm 2020. Thứ nhất, chỉ tiêu tăng trưởng công nghiệp chế biến - chế tạo phải đạt 12%, bởi ngành này là động lực chính cho tăng trưởng dài lâu. Thứ hai, năm 2020 XK chạm mốc 300 tỷ USD. “Đây là con số rất lớn đòi hỏi các giải pháp và sự nỗ lực. Đi liền với số đó là xuất siêu đạt khoảng 15 - 17 tỷ USD” - Thủ tướng nói. Thứ ba, tăng trưởng thị trường bán lẻ đạt khoảng 12%.
Để đạt các mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo bộ cần bám sát sản xuất và thị trường, tháo gỡ vướng mắc xuất nhập khẩu. Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy XK, hiệp định FTA, phát triển thị trường tiềm năng. Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cầu cần đa dạng hóa thị trường hơn nữa không nên quá phụ thuộc vào thị trường Mỹ “Nếu Mỹ tăng thuế chỉ 5% thì Việt Nam sẽ rất khó khăn. Cần chú ý các thị trường khác cũng rất quan trọng. Đề nghị Bộ nghiên cứu và tính toán thêm” - Thủ tướng nói. Đồng thời chú trọng khai thác thị trường 28 nước EU, các nước ký hiệp định CPTPP với Việt Nam. Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương cần quan tâm các ngành công nghiệp mũi nhọn. Bộ Công Thương cần đẩy nhanh tái cơ cấu, xử lý các dự án thua lỗ; đảm bảo cung ứng đủ điện trong mọi tình huống, không để mất điện.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần