Xuất khẩu - điểm sáng năm 2020

TS Nguyễn Minh Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2020 là một năm đầy khó khăn đối với nền kinh tế trong nước và thế giới do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được kết quả đáng tự hào, trở thành điểm sáng và tạo đà quan trọng để nền kinh tế hồi phục vững chắc vào năm 2021.

Khu bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Chiến Công
Xuất khẩu tăng cao
Theo Tổng cục Thống kê (TCTK), năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước; trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa ước xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu hàng hóa kể từ năm 2016. Cả nước có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và ước tăng 4,1% so với năm trước; nhóm hàng tiêu dùng ước giảm 3,8% và chiếm 6,4%.

Xuất khẩu tăng và xuất siêu đỉnh cao nhờ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 72,2% tổng kim ngạch; xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 152,5 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 100,3 tỷ USD, tăng 2,4%. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 48,5 tỷ USD, tăng 17,1%.

Sự thành công xuất khẩu năm 2020 còn là do Việt Nam khống chế thành công dịch Covid-19; nhờ đó, ngoại trừ 15 ngày đầu tháng 4/2020 cả nước buộc phải thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng, còn trong suốt cả năm các hoạt động kinh tế nội địa của Việt Nam diễn ra gần như bình thường. Đồng thời, Việt Nam đã nỗ lực khai thác các cơ hội từ thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như CPTPP, EVFTA; đa dạng hóa thị trường, tạo lập và kết nối các chuỗi cung ứng mới; khai thác thành công tính bổ sung cơ cấu kinh tế và khoảng trống trong cơ cấu nhu cầu tiêu dùng của thị trường nước ngoài; gia tăng khả năng đáp ứng nhu cầu mới của các nước, trong đó có các thiết bị và hàng tiêu dùng y tế để phòng, chống dịch…

Còn những điểm mờ

Tuy nhiên, trong thành công của xuất khẩu năm 2020 vẫn có những điểm mờ, như: Xuất khẩu so với năm 2019 của nhóm hàng nông, lâm sản giảm 1,9%. Nhóm hàng thủy sản giảm 1,8%. Xuất khẩu sang nhiều thị trường quan trọng bị thu hẹp, như xuất sang thị trường EU giảm 2,7%; thị trường ASEAN giảm 8,7%; Nhật Bản giảm 5,7%; Hàn Quốc giảm 5,1%. Hơn nữa, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu giảm 1,1%, chỉ chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu và vẫn tiếp tục nhập siêu hàng hóa 15,5 tỷ USD; trong khi, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giảm 10% do thu hẹp thị trường nhập khẩu và đơn hàng xuất khẩu. Thị trường trong nước cũng bị thu hẹp với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm bị giảm 1,2%, nếu loại trừ yếu tố giá. Hơn nữa, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ cả nước ước giảm 68,4% so với năm 2019. Nhập siêu dịch vụ là 12 tỷ USD, gần gấp đôi xuất khẩu dịch vụ. Tính chung, cán cân thương mại hàng hóa và dịch vụ cả nước năm 2020 chỉ xuất siêu 7,1 tỷ USD.

Hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) tuy góp phần đáng kể cho tăng trưởng và mở rộng thị trường xuát khẩu, góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh quốc gia trên thế giới, song cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế về hình thức, quy mô, tính chuyên nghiệp và hiệu quả so với các nước trong khu vực.

Năm 2021, trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các FTA khác, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi, khởi sắc hơn và xuất khẩu chắc chắn cũng tăng mạnh cùng đà tăng trưởng kinh tế và hiệu quả kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và chung trên thế giới. Điều tra của Tổng cục Thống kê cho thấy, có tới 81% số DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được hỏi đã đánh giá sản xuất, kinh doanh quý I/2021 so với quý IV/2020 sẽ ổn định hoặc tốt lên.

Trước mắt, cần tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cả về tài chính, tiền tệ và thông tin thị trường; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành hàng, sản phẩm và DN; nâng cao năng lực đổi mới công nghệ và cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Hoạt động xúc tiến xuất khẩu cần tập trung ở các nhóm ngành hàng chủ lực, có tiềm năng phát triển, như nhóm nông sản (thực phẩm, thủy sản, trái cây, chè, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, cao su, gạo) và nhóm công nghiệp chế biến (dệt may, da giày và túi xách, đồ gỗ...); triển khai các chương trình quảng bá liên tục, mới mẻ và hấp dẫn nhằm củng cố nhận diện và nâng tầm hình ảnh, thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thương mại điện tử và tăng cường xuất khẩu hàng qua hệ thống mạng lưới phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài; chủ động nghiên cứu thị trường và đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật khắt khe nhất.

Tất cả nhằm phấn đấu đạt mục tiêu mà Bộ Công Thương đặt ra là tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân giai đoạn 2021 - 2025 trên 5%/năm và đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên 340 tỷ USD vào năm 2025; xuất khẩu hàng hóa của DN trong nước tăng 5%...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần