Theo nhận định của các chuyên gian, xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay bị cạnh tranh gay gắt từ các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ và các nước mới tham gia vào xuất khẩu gạo như Campuchia và Myanmar. Đồng thời, các nước nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam cũng đang áp dụng các chính sách hạn chế nhập khẩu gạo.
Chẳng hạn như Trung Quốc tăng cường siết chặt nhập khẩu gạo qua đường biên giới và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt trong khi Philippines cố gắng để tự đảm bảo an ninh lương thực. Về xu hướng giá, giá thực tế của lúa gạo có xu hướng giảm trong trung hạn. Trong khi đó, ngành hàng lúa gạo bộc lộ những yếu tố kém bền vững về kinh tế, xã hội, và môi trường.Bà Phạm Thị Kim Dung - Bộ môn nghiên cứu và ngành hàng (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho biết, hoạt động xuất khẩu gạo của nước ta đang bị thắt lại với khoảng hơn 100 nhà xuất khẩu, trong đó hiện chỉ có 22 nhà xuất khẩu được phép xuất sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, thị phần gạo Việt Nam trên thị trường xuất khẩu thế giới có khuynh hướng giảm trong những năm gần đây, so với mức tăng nhẹ của hạt điều, sắn, tiêu…Theo các chuyên gia, để phát triển ngành hàng lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển bền vững, cần xác định lại cơ cấu thị trường, các vùng chuyên canh, cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ. Đồng thời, nghiên cứu phát triển chế biến tinh, chế biến sâu, tận dụng phế phụ phẩm, đa dạng hóa sản phẩm từ lúa gạo. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 4 năm 2017 ước đạt 573.000 tấn với giá trị đạt 269 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2016 ước đạt 1,86 triệu tấn và 834 triệu USD, giảm 7,7% về khối lượng và giảm 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 43,3% thị phần. Philippinese là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 15,9% thị phần.