Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu gạo khả quan hơn từ quý 4

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhu cầu gạo tại các thị trường truyền thống đang có dấu hiệu hồi phục, điều này sẽ giúp cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng tới sẽ khả quan hơn.

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VSA), khối lượng gạo xuất khẩu tháng 9 ước đạt 500.000 tấn với trị giá đạt 207 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng khoảng 4,35 triệu tấn, tương ứng giá trị 1,95 tỷ USD, giảm 9,12% về khối lượng và giảm 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nguyên nhân sụt giảm được VSA đưa ra là do nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam trong các tháng đầu năm sụt giảm mạnh, cộng với yếu tố về giá, giảm khoảng 5,08% đã ảnh hưởng đến bức tranh của ngành lương thực 9 tháng qua.

Tuy nhiên, theo dự báo của VSA, trong 6 tháng tới, nhu cầu tại các thị trường truyền thống đang có những tín hiệu tích cực, bằng chứng rõ nét nhất là Việt Nam đã thắng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo sang Philippines và khoảng 1 triệu tấn gạo cung cấp cho Indonesia thời gian gần đây.

Cùng với đó, giá lúa gạo đang ấm lên, nhất là trong những ngày gần đây đã tăng khoảng 300 đồng/kg so với những tháng trước và xu hướng này sẽ tiếp tục kéo dài khi Việt Nam thực hiện phân bổ các hợp đồng tập trung (chưa tính các hợp đồng thương mại mới sẽ ký).

Theo VSA, các tín hiệu trên sẽ giúp ngành lúa gạo tăng trưởng ổn định hơn kể từ quý 4/2015 và kéo dài đến quý 1/2016.

Tuy nhiên, việc tăng khối lượng xuất khẩu cũng đặt ra sức ép đối với các doanh nghiệp trong nước khi sản lượng lúa gạo vụ Thu-Đông sắp kết thúc cộng với lượng tồn kho khoảng là 1,5 triệu tấn, là nguồn dự trữ không phải là nhiều.

Theo kế hoạch mà ngành lương thực Việt Nam đưa ra, trong năm ​nay sẽ xuất khẩu khoảng 6,8 triệu tấn gạo, ước giá trị khoảng 3,1 tỷ USD. Từ nay đến cuối năm thời gian không còn nhiều, do vậy việc cung cấp thông tin thị trường phải hết sức cẩn trọng, bám sát tín hiệu thị trường.