Xuất khẩu gạo: Sân chơi cần chuyên nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nghị định về xuất khẩu gạo mặc dù còn đang ở dạng dự thảo nhưng đã thu hút được mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo.

KTĐT - Nghị định về xuất khẩu gạo mặc dù còn đang ở dạng dự thảo nhưng đã thu hút được mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo.

Điều này cũng là dễ hiểu nhất là khi có những quy định mà theo đó nếu được thực thi sẽ có hơn 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi.

Những điều chỉnh trong dự thảo nghị định chủ yếu hướng vào điều kiện để doanh nghiệp được tham gia xuất khẩu gạo. Theo đó, để xuất khẩu gạo doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có ít nhất một kho chuyên dùng chứa tối thiểu 5.000 tấn gạo, có ít nhất một cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn lúa/ giờ. Doanh nghiệp bắt buộc phải có 50% lượng gạo dự trữ trong kho mới được đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo. Phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội lương thực VN (VFA). Doanh nghiệp vi phạm có thể bị tạm ngừng đăng ký xuất khẩu từ 3 đến 6 tháng và bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Phản ứng của doanh nghiệp tập trung vào mấy điểm: Việc quy định về kho chứa và thiết bị phục vụ dữ trữ 5.000 tấn gạo là quá lớn so với thực trạng của doanh nghiệp xuất gạo hiện nay. Điều này sẽ đòi hỏi phải đầu tư khá lớn (khoảng 30 tỷ đồng) trong khi chưa biết hiệu quả ra sao. Có doanh nghiệp cho rằng, không cần kho chứa chỉ cần đặt hàng các nhà máy xay xát hoặc đầu mối kho có hợp đồng xuất khẩu là gom đủ… Vì thế, không ít doanh nghiệp cho rằng, những quy định này chỉ giúp cho các doanh nghiệp lớn có sẵn kho bãi, loại bớt đối thủ cạnh tranh và triệt tiêu cạnh tranh.

Thực ra, những lo ngại đó chưa xuất phát từ thực trạng xuất khẩu gạo những năm qua và chưa hướng tới một nền ngoại thương hiện đại. Câu chuyện này không khác mấy hồi những năm 1991- 1992. Bộ Thương mại lúc đó đã đưa ra quy định các doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo phải có vốn ít nhất 2 tỷ đồng. Sở dĩ đưa ra quy định này vì mặc dù nước ta mới xuất khẩu gạo được vài năm nhưng tình trạng cạnh tranh nhau giảm giá, gây thiệt hại cho nước nhà đã rất phổ biến đến mức khó chấp nhận. Khi đưa ra quy định về vốn, Bộ quản lý cho rằng, chúng ta đang từ ngòi vươn ra biển, muốn đi biển thắng lợi ít nhất cũng phải có tàu to chứ thuyền thúng làm sao làm được.

Gần 20 năm sau, câu chuyện cũ được lặp lại. Nhưng tình hình bây giờ đã khác trước rất nhiều. Trước hết, ta đã gần 20 năm xuất khẩu gạo và với số lượng lớn hơn trước nhiều. Thứ hai, trên thị trường quốc tế, cuộc cạnh tranh giành giật thị trường là rất gay gắt. Xuất gạo bây giờ không chỉ có Thái Lan, Việt Nam, Hoa Kỳ…mà còn có cả Ấn Độ, Trung Quốc… Khoảng cách về lúa gạo của nước ta so với các nước khác cũng chênh nhau không nhiều so với trước. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trên các lĩnh vực khác cũng lao vào xuất khẩu gạo. Vì thế, cạnh tranh ngay trong nước cũng như quốc tế ngày càng nhiều hơn. Không biết các doanh nghiệp có nhức nhối khi xuất khẩu gạo của ta luôn thấp hơn gạo Thái cùng loại từ 10- 100USSD/ tấn. Bởi thế, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần thay đổi tư duy. Anh có thể bán hàng ở chợ truyền thống những làm sao mang cung cách ấy vào siêu thị được. Ở siêu thị, muốn bán, trong đó phải có hàng chất lượng, có nguồn hàng ổn định mới vào được. Sân chơi chuyên nghiệp đòi hỏi cầu thủ cũng phải chuyên nghiệp. Nếu không thể toàn tâm toàn ý, đầu tư cho sự nghiệp xuất khẩu gạo một cách chuyện nghiệp thì tốt nhất doanh nghiệp nên lựa chọn hướng kinh doanh khác.

Đã đến lúc công tác xuất khẩu gạo cần được tổ chức lại theo hướng chuyên nghiệp hơn nếu không chính chúng ta có lỗi với những người nông dân vất cả cả đời làm ra hạt gạo để ta xuất khẩu mà chỉ bán với giá thấp. Quy định của Bộ Công thương chính là tiêu chuẩn hóa “cầu thủ” tham gia sân chơi này, làm cho cầu thủ có giá hơn.