Tuy vậy, nếu so với mục tiêu phấn đấu cả năm 2017 là 11,1 tỷ USD đòi hỏi TP và các DN phải nỗ lực hơn nữa trong các tháng cuối năm.
5 tháng đạt 4,73 tỷ USD
Theo số liệu Cục Thống kê TP, kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn Hà Nội trong tháng 5 ước đạt 1,088 tỷ USD, tăng 1,1% so tháng trước và tăng 13,7% so cùng kỳ. Trong tháng qua, một số nhóm hàng xuất khẩu tăng khá so cùng kỳ là hàng điện tử tăng 139,4%; linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi tăng 39,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 74,9%. Lũy kế 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,73 tỷ USD, tăng 12,2% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu địa phương ước đạt 3.924 triệu USD tăng 14,3%. Đây là kết quả đáng ghi nhận, nhất là trước xu hướng chung xuất khẩu của Việt Nam giảm.
Bên cạnh nỗ lực lớn của bản thân của DN, thì với những giải pháp đột phá cho DN phát triển của TP đã góp phần rất lớn tạo thuận lợi để DN vươn lên, thúc đẩy xuất khẩu. Trong đó, tạo chuyển biến rõ nét về môi trường đầu tư, kinh doanh, xóa bỏ rào cản, phát triển mạnh DN, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Thực hiện tốt Chương trình kết nối ngân hàng – DN. Tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức về hội nhập quốc tế. Thực hiện có hiệu quả các chính sách thuế, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, khuyến nông, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản.
Ngoài ra, TP tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư nhằm đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm, DN, hỗ trợ xuất khẩu. Cụ thể, Hà Nội chú trọng xúc tiến tại nước ngoài, tham gia các hội chợ quốc tế có quy mô, chất lượng tại các thị trường xuất khẩu quan trọng, thị trường tiềm năng, thị trường Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, khai thác các thị trường mới, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm làng nghề, hàng nông sản, dệt may, công nghiệp hỗ trợ, đón các đoàn nhập khẩu nước ngoài vào giao dịch thương mại tại Hà Nội.
Đặc biệt, nhằm hỗ trợ các đơn vị đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng thời cơ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND, gồm 10 giải pháp quan trọng, nhằm giúp DN vượt qua khó khăn, duy trì và mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa.
Động lực thúc đẩy tăng trưởng
Dự báo xuất khẩu năm 2017 vẫn có những khó khăn nhất định. Để kim ngạch xuất khẩu đạt mức tăng trưởng 11,1% trong năm 2017 như chỉ tiêu TP đặt ra là điều không dễ dàng. Ngoài tác động từ tình hình thế giới, sự cạnh tranh quyết liệt, việc gia nhập các hiệp định thương mại buộc phải xóa bỏ độc quyền, mở cửa thị trường trong nước. Ngoài nhóm hàng đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng là hàng điện tử, linh kiện máy tính, thiết bị ngoại vi, phương tiện vận tải… thì theo Cục Thống kê, một số nhóm hàng xuất khẩu giảm so cùng kỳ là nông sản giảm 12,7%; hàng dệt may giảm 2,2%; giày dép các loại giảm 2,1%; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh giảm 0,8%.
Về phía DN, một bộ phận nhân công chưa được đào tạo đầy đủ, ý thức kỷ luật và tác phong lao động công nghiệp chưa cao, thiếu lao động có tay nghề... dẫn đến năng suất thấp so với các nước trong khu vực. Mặt khác, khả năng đáp ứng của DN trước các quy định, tiêu chuẩn ngày càng cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng còn nhiều hạn chế. Các mặt hàng nông sản chưa xây dựng được thương hiệu riêng để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế, chất lượng chưa đồng đều, trong khi tiêu chuẩn tại các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… ngày càng nghiêm ngặt.
Để tiếp tục tạo đà phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong năm tới và những năm tiếp theo và mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 8,5 - 9%, trong khi công nghiệp khai khoáng, sản xuất nông nghiệp chậm lại, Hà Nội xác định, trong năm 2017, xuất khẩu phải tăng cùng với khu vực sản xuất công nghiệp tăng, doanh thu dịch vụ, du lịch tăng để góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế địa phương phát triển. Hà Nội sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ DN để tiếp cận thị trường, nguồn vốn... phù hợp với cam kết quốc tế. Bên cạnh đó, các DN sản xuất, xuất khẩu trên địa bàn TP cần chủ động nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa… nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tín dụng tăng trưởng 6,8% trong 5 tháng Trong tháng 5 các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội huy động được 1.717 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và 4,4% so với tháng 12/2016. Tổng dư nợ cho vay tháng 5 đạt 1.563 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 6,8% so với tháng 12/2016. Trong đó, tỷ lệ cho vay DN nhỏ và vừa đạt 507.000 tỷ đồng, chiếm 32,4% tổng dư nợ. |