Xuất khẩu nông sản khó về đích

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất khẩu nông sản tăng về lượng nhưng giá trị thu về lại giảm đáng kể, do nhiều thị trường nhập khẩu lớn đã có những thay đổi về chính sách nhập khẩu. Điều này cho thấy khả năng xuất khẩu nông sản cán đích 43 tỷ USD rất mong manh khi chỉ còn hơn một tháng nữa là kết thúc năm 2019.

Sơ chế thanh long xuất khẩu tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Sinh Vũ
Xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm
Năm 2018, xuất khẩu rau quả lập kỷ lục khi cán đích hơn 3,5 tỷ USD, lọt top 4 mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao nhất. Với thành tích này, năm 2019, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt 4 tỷ USD. Tuy nhiên, 11 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả mới đạt 3,3 tỷ USD, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2018 và dự báo khó về đích như kế hoạch. “Nếu duy trì mức xuất khẩu 350 triệu USD/tháng, thì hết tháng 12/2019, xuất khẩu rau quả chỉ có thể đạt từ 3,7 - 3,75 tỷ USD” - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản phân tích.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2019, Bộ NN&PTNT đang đồng hành cùng DN tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, tập trung nâng cao giá trị ở những mặt hàng đang có thế mạnh như: Đồ gỗ, lâm sản; khôi phục tăng trưởng ở mặt hàng thủy sản.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Nguyên nhân khiến xuất khẩu rau quả sụt giảm là sự thay đổi về chính sách nhập khẩu của thị trường Trung Quốc (chiếm 70% tổng giá trị xuất khẩu của ngành). Cụ thể, thị trường này đã siết nhập tiểu ngạch chuyển sang chính ngạch, trong khi Việt Nam mới có 9 loại trái cây được phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch. Đáng nói, năm 2019, dù một số loại trái cây của nước ta đã vào được thị trường Mỹ, Australia và có mức tăng khá nhưng không thể bù đắp được sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc.
Tương tự, gạo cũng phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc. 11 tháng của năm 2019, xuất khẩu gạo ước đạt 2,65 tỷ USD, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ có rau quả và gạo, nhiều mặt hàng nông sản vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam cũng giảm đáng kể. Chẳng hạn như, hạt điều và hạt tiêu dù lượng xuất khẩu tăng nhưng giá xuất khẩu đều giảm mạnh kéo theo kim ngạch xuất khẩu bị giảm. Riêng cà phê giảm cả về lượng (giảm 14,6%) và giá trị xuất khẩu (giảm 22,3%).
Doanh nghiệp phải thay đổi, thích ứng thị trường
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, xuất khẩu phụ thuộc một vài thị trường lớn, rủi ro cao là thực tế với nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, chứ không riêng gạo hay rau quả. Tuy nhiên, sự sụt giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung hay các thị trường lớn thay đổi chính sách nhập khẩu được được các chuyên gia đánh giá vừa là thách thức, vừa là cơ hội để các DN Việt tự chuyển mình, thích ứng với bài toán của các nhà nhập khẩu.
Đơn cử như mặt hàng tôm, đầu năm 2019, Trung Quốc siết chặt thương mại đường biên mậu đồng thời tăng mạnh nhập khẩu tôm từ Ecuador và Ấn Độ, khiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này sụt giảm. Song, kể từ tháng 5/2019 đến nay, DN Việt đã bắt kịp yêu cầu thị trường nên xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc liên tục tăng trưởng. Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Ngô Văn Ích nhận định, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc từ nay đến hết năm vẫn duy trì đà tăng trưởng do nhu cầu nhập khẩu tôm cao từ Trung Quốc để phục vụ Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của Mỹ cũng tăng khi Mỹ đang có xu hướng giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc. Dự kiến, cả năm 2019, xuất khẩu tôm đạt 3,4 tỷ USD.
Để tháo gỡ những khó khăn cũng như thúc đẩy xuất khẩu nông sản rất cần sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành với một hệ thống giải pháp đồng bộ. Song, về lâu dài, theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, các DN xuất khẩu cần tích cực, chủ động tìm kiếm đối tác, quảng bá sản phẩm thông qua việc tham gia các cuộc hội chợ, triển lãm. Từ đó, tăng cường nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch từ các thị trường. Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển từ việc kiểm tra ATTP cuối cùng sang giám sát toàn bộ các công đoạn trong chuỗi sản xuất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần