Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu phần mềm, trọng tâm là nguồn nhân lực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 15 năm theo đuổi, hiện các doanh nghiệp (DN) sản xuất phần mềm của Việt Nam đã dần hội nhập vào quy trình sản xuất phần mềm quốc tế.

Ông Nguyễn Đăng Phong - Chủ tịch Công ty Giải pháp phần mềm Fujinet cho biết, trước đây, các DN gia công phần mềm của Việt Nam chỉ thực hiện được các khâu đơn giản như viết mã code và kiểm thử phần mềm (testing) có giá trị thấp. Ngay như FPT một trong những "đại gia" ngành CNTT, khi bắt đầu xuất khẩu phần mềm (1998) cũng chỉ đạt doanh thu 400.000 USD trong khi số tiền bỏ ra đầu tư lên tới 920.000 USD trong 2 năm (1998 - 2000). Tuy nhiên, sau 15 năm theo đuổi hoạt động xuất khẩu phần mềm, hiện các DN Việt Nam đã có thể đảm nhận được việc thiết kế và nghiên cứu sản phẩm là khâu mang lại giá trị cao. Thực tế cho thấy, hiện các DN Việt Nam đang giành được 1/4 khối lượng công việc mà DN phần mềm Nhật Bản thuê DN nước ngoài sản xuất. Báo cáo thường niên của Công ty CP FPT cho thấy, xuất khẩu phần mềm của Công ty đạt mức tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm trước. Ngày 6/8 vừa qua, Công ty Phần mềm FPT Software đã giành được quyền triển khai Dự án RQ1-Renovation, khách hàng là một công ty lớn của Mỹ, có trên 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm phần mềm bảo hiểm giá trị bất động sản. Việc thực hiện dự án này sẽ giúp FPT Software mở rộng thị phần cung cấp các dịch vụ phần mềm trên nền công nghệ Cloud cho khách hàng tại thị trường Mỹ, cũng như trên thế giới. Theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam, sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, các DN phần mềm Việt Nam đã có thể đảm nhận được các công việc đòi hỏi kiến thức kỹ thuật cao hơn. Không chỉ có vậy, hầu hết các hợp đồng mà phía Việt Nam nhận được có giá trị cao hơn so với trước.
 

Mặc dù đã có được những bước phát triển nhất định nhưng hiện các DN Việt Nam vẫn đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ những DN thuộc các nước Đông Nam Á như Philippines và Malaysia… Đơn cử như ở Nhật Bản, nhu cầu làm gia công phần mềm của thị trường này mỗi năm lên tới khoảng 10 tỷ USD nhưng "đại gia" FPT mới chỉ kiếm được khoảng vài chục triệu USD từ các hợp đồng gia công phần mềm. Bên cạnh đó, hiện nhiều DN phần mềm Việt Nam vẫn luẩn quẩn với căn bệnh kinh niên là không đủ nhân lực đáp ứng trình độ kỹ thuật, chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng sản xuất… Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công viên Phần mềm Quang Trung cho biết, phát triển nguồn nhân lực luôn là nhu cầu rất "nóng" trong khi nguồn cung nhân lực từ thị trường có xu hướng suy giảm cả về số lượng và chất lượng. "Từ đầu năm đến nay, đơn vị nhận thêm được nhiều hợp đồng xuất khẩu phần mềm, nhưng không thể đáp ứng được nhu cầu của khách hàng do thiếu nhân lực" - ông Chu Tiến Dũng cho biết.

 

Tuy nhiên, về lầu dài để mở rộng hoạt động xuất khẩu phần mềm, ngoài sự nỗ lực của chính các DN còn cần có sự hỗ trợ lớn hơn nữa từ cơ quan quản lý Nhà nước trong các chính sách liên quan đến nguồn nhân lực, quảng bá ngành phần mềm của Việt Nam ra thế giới.