Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu rau quả bứt phá ngoạn mục

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu (XK) rau quả đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng và đang được kỳ vọng là lần đầu tiên sẽ vượt giá trị XK gạo để góp mặt vào danh sách những mặt hàng nông sản “tỷ đô” chủ lực.

Tiếp nối thành công
Nếu như năm 2015 được đánh giá là một năm “thắng đậm” của XK trái cây với kim ngạch đạt hơn 1,8 tỷ USD - mức cao nhất từ khi trái cây "xuất ngoại", thì 9 tháng năm 2016 tiếp tục ghi nhận đà bứt phá ngoạn mục. Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương), 8 tháng năm 2016, rau quả xuất siêu hơn 1 tỷ USD, vượt qua lúa gạo để trở thành mặt hàng nông sản XK mũi nhọn với kim ngạch 1,57 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2015. Đáng mừng là hầu hết các thị trường XK rau quả của Việt Nam đều đạt mức tăng trưởng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, một số thị trường có mức tăng trưởng cao như: Anh tăng 39%, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 37,1%, Malaysia tăng 23,3%...

Kiểm dịch vải thiều xuất khẩu sang Australia. Ảnh: Quang Thiện

Tín hiệu vui trong năm nay là lần đầu tiên XK vải thiều sang thị trường Australia được tiến hành chiếu xạ ngay tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, giúp giảm đáng kể chi phí và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động XK trái vải vào các thị trường khó tính. Tiếp nối thành công đó, giữa tháng 9 vừa qua, sau gần 10 năm đàm phán, Australia đã chính thức cấp phép nhập khẩu cho trái xoài Việt Nam. Đây là loại trái cây thứ hai của Việt Nam được Australia cấp phép nhập khẩu. Đối với Hà Nội, tháng 9/2016 cũng được đánh giá là một mốc son đáng nhớ của ngành rau quả khi 10 tấn nhãn muộn đầu tiên của Hoài Đức và Quốc Oai được XK sang Malaysia, mở đường cho hành trình chinh phục các thị trường khó tính khác.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc - Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam, việc khơi thông những thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada… đã mang lại lợi ích kép, vừa giúp nông dân thay đổi tập quán, phương thức sản xuất, vừa tránh cho rau quả phụ thuộc quá lớn vào một thị trường.
Nhiều dư địa phát triển
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, do XK được khơi thông nên thị trường trái cây trong nước cũng có những dấu hiệu khá tích cực.  Giới thương lái nhận định, năm nay, do một số nước như Philippines, Lào, Myanmar, Trung Quốc… khan hiếm chuối trong khi nhu cầu tiêu thụ chuối ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu tăng nên giá chuối được đẩy lên cao. Nhìn chung, trong 9 tháng qua, thị trường trái cây khá sôi động với khối lượng XK, tiêu thụ lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là mặt hàng chuối, sầu riêng, xoài.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) cho biết, điểm mạnh của chúng ta là sở hữu nguồn trái cây đa dạng cả nhiệt đới và cận nhiệt đới với diện tích lớn. Tuy nhiên, hạn chế là quy mô canh tác nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn thấp. Bên cạnh đó, một trong những rào cản lớn đối với ngành rau quả hiện nay là những quy định về kiểm dịch thực vật và ATTP. Đây là những vấn đề cần phải sớm khắc phục để tạo động lực mạnh mẽ cho XK rau quả.
Bộ NN&PTNT nhận định, từ tháng 6 trở đi, rau quả đã duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng với mức bình quân 37%/tháng. Dự kiến, hết năm nay, nhiều khả năng giá trị XK rau quả sẽ đạt khoảng 2,5 - 2,6 tỷ USD, lần đầu tiên vượt qua XK gạo. Để khai thác được dư địa đó, cần phải mở thêm thị trường mới và có sự liên kết giữa nông dân với DN trong sản xuất, chế biến phục vụ XK.