Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuất khẩu thủy sản có thể tái lập mốc 6,5 tỷ USD

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong quý 1/2013, xuất khẩu thủy sản đạt giá trị khoảng 1,2 tỷ USD, giảm gần 8% so với cùng kỳ 2012, trong đó hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cá tra giảm 7,6% và tôm đông lạnh giảm gần 8%.

Nhiều trở ngại vẫn đang hiện hữu đối với ngành thủy sản như tôm vẫn tiếp tục chết, doanh nghiệp thiếu vốn, sản xuất cá tra chưa khởi sắc..., chưa kể những khó khăn về thị trường xuất khẩu.

 
Xuất khẩu thủy sản có thể tái lập mốc 6,5 tỷ USD - Ảnh 1
 
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Thế nhưng, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng mức giảm của quý 1 là điều dễ hiểu và nhiều triển vọng xuất khẩu thủy sản 2013 sẽ tái lập mốc xuất khẩu 6,5 tỷ USD.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, năm 2013, thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức ở cả sản xuất trong nước và thị trường xuất khẩu. Chẳng hạn như mặt hàng tôm sẽ có nhiều cạnh tranh khốc liệt hơn, bởi các quy định về dư lượng hóa chất kháng sinh, nhất là Ethoxyquin, chất chống ôxy hóa. Ethoxyquin không những bị siết chặt ở thị trường Nhật Bản mà ngay từ đầu năm nay, Hàn Quốc - thị trường tiềm năng lớn nhập khẩu tôm của Việt Nam cũng bắt đầu kiểm tra chất này.

Do vậy, VASEP đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và cũng như các cơ quan Chính phủ thương lượng, thuyết phục các cơ quan chức năng Nhật Bản, Hàn Quốc áp dụng quy định theo thông lệ quốc tế và quy chuẩn của Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex).

Bên cạnh đó, ngành sản xuất tôm cũng đang phải đối mặt với tình trạng dịch bệnh chưa thấy hồi kết và vụ kiện chống trợ cấp, chống bán phá giá của Mỹ. Sản xuất tôm sẽ tiếp tục gặp khó khăn cho đến khi kiểm soát được hội chứng chết sớm, ngoài ra còn phụ thuộc vào chi phí thức ăn và chất lượng con giống.

Đối với cá tra, thách thức không chỉ là những khó khăn về sản xuất trong nước mà còn là những cuộc chiến đấu trường kỳ với việc Mỹ áp chống thuế bán phá giá.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, "trong “hiệp thứ 8” (đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 8 của Bộ Thương mại Mỹ - POR8), Mỹ đã tăng thuế lên một cách vô lý thì chúng ta sẽ tìm cách giải quyết việc này. Việt Nam sẽ biến thách thức mà họ đã áp đặt thành cơ hội của mình. Do đó, chúng ta cần sử dụng tốt cái quyền của mình trong thành viên WTO."

Trong các mặt hàng hải sản xuất khẩu, Việt Nam đang có thế mạnh lớn về sản phẩm cá ngừ. Cá ngừ Việt Nam năm qua đã có mặt tại 96 thị trường trên thế giới, trong đó, Mỹ tiếp tục là thị trường quan trọng nhất của cá ngừ Việt Nam với giá trị xuất khẩu sang thị trường này bao giờ cũng chiếm hơn 40% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ.

Trong bối cảnh năm 2012, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn và nhu cầu tiêu thụ thủy sản bị giảm sút nhưng xuất khẩu cá ngừ Việt Nam trong năm qua vẫn tăng trưởng mạnh, đạt giá trị gần 570 triệu USD, tăng trên 50% so với năm 2011. Đây cũng làm mặt hàng có tỷ lệ giá trị gia tăng cao nhất với 37,7%.

Tuy nhiên, ngành khai thác cá ngừ đang phải đối mặt với tình trạng chạy theo số lượng hơn là quan tâm về chất lượng. Câu tay cá ngừ đại dương mới chỉ xuất hiện từ năm 2011, nhưng nghề này đã thu hút nhiều chủ tàu bởi năng suất cao hơn nhiều so với nghề câu vàng, mặc dù giá cá chỉ bằng 40-50% so với cá ngừ khai thác bằng nghề câu vàng.

Theo các chuyên gia thủy sản, giá cá ngừ phụ thuộc vào thị trường (nhu cầu tiêu thụ và sự cân đối cung-cầu), chất lượng cá ngừ phụ thuộc vào kỹ thuật đánh bắt nên cần phải nghiên cứu những yếu tố làm ảnh hưởng đến chất lượng cá ngừ để có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Với khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới, năm 2013, ngành thủy sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc cạnh tranh khốc liệt hơn trên thị trường quốc tế với xu hướng giảm giá để giành giật thị trường.

Theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Việt Nam đang tích cực mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Đông Nam Á và ASEAN. Nhiều cách thức xúc tiến thương mại, đàm phán được triển khai theo hướng mới. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội hội đàm với các đối tác nước ngoài về việc công nhận thương hiệu thủy sản Việt Nam .

Nhận định về thị trường xuất khẩu thủy sản, ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết vẫn có những dấu hiệu khả quan. Có khả năng nhu cầu thủy sản xuất khẩu sang thị trường EU sẽ phục hồi sau quý 2/2013. Xuất khẩu thủy sản sang EU có thể tăng 5,3% so với năm 2012. Kỳ vọng với thị trường Nhật là nếu chế độ kiểm tra Ethoxyquin được dỡ bỏ, xuất khẩu tôm sẽ được phục hồi.

Năm nay, giá tôm sẽ tăng vì nhiều nước, đặc biệt là Thái Lan đang phải đối mặt dịch bệnh tôm nên sản lượng có thể giảm. Nếu Việt Nam có được biện pháp tốt hơn trong việc khống chế dịch bệnh thì mặt hàng tôm có cơ hội bán giá cao hơn.

Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn tại thị trường Mỹ nhưng VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản vào thị trường này năm nay sẽ đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng 9% so 2012. Bởi với vụ áp thuế chống bán phá giá của Mỹ thì các doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ nhưng với giá bán cao hơn.

Bên cạnh đó, cá tra còn có khả năng tăng giá trị xuất khẩu, các doanh nghiệp nên tăng đầu tư sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Năm 2012, tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm cá tra xuất khẩu chỉ đạt 0,68%, nếu các sản phẩm cá tra có tỷ lệ gia tăng khoảng 20-30% thì giá trị xuất khẩu cá tra sẽ tăng lên rất nhiều.

Cùng với những dự báo nhu cầu thủy sản của Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN và Australia sẽ tăng; thị trường Trung Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi sẽ được mở rộng và phát triển hơn nên VASEP vẫn kỳ vọng tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2013 sẽ đạt khoảng 6,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2012.