KTĐT - Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật (VJEPA) có hiệu lực từ ngày 1/10/2009 đã mở cửa một thị trường lớn cho hàng hóa Việt Nam.
Ngay trong 3 tháng cuối năm, khi Hiệp định có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam vào Nhật đã tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành hàng khác cũng đang nghiên cứu lợi thế có được từ Hiệp định để tăng cường xuất khẩu vào Nhật. Tuy nhiên, phải nói rằng ngành hàng hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định này chính là ngành nông, thủy sản.
Theo Hiệp định VJEPA, Nhật Bản cam kết giảm thuế đối với các mặt hàng tương đương gồm 84% giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, trong số 2020 dòng thuế nông sản Nhật đã xóa ngay thuế 784 dòng, chiếm 36% tổng số dòng thuế nông sản và số này chiếm 67,6% giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Các dòng thuế có lộ trình giảm thuế trong 3-5 năm bao gồm 14 sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam như chuối, đậu tương, gừng, sầu riêng, chôm chôm… Các sản phẩm này chiếm 14% tổng giá trị nông sản xuất khẩu từ Việt Nam vào Nhật. Khi được hưởng thuế suất bằng 0% trong 3-5 năm tới chắc chắn giá trị xuất các mặt hàng này vào Nhật sẽ tăng cao.
Phía Nhật cũng sẽ giảm dần và bỏ hẳn thuế nhập khẩu với 72 dòng thuế nông sản sau 7 năm tới và 214 dòng khác trong 10 năm. Trong số này có các mặt hàng rau quả chế biến, ngô sắn chế biến, gia vị, nước sốt… là những mặt hàng rất có lợi thế khi xuất sang Nhật.
Với thủy sản, trong 330 mặt hàng có 64 giảm thuế ngay khi VJEPA có hiệu lực. Số này chiếm tới 71% thủy sản xuất khẩu vào Nhật Bản của Việt Nam. Riêng mặt hàng tôm có thể được hưởng ngay thuế suất 0%. Hiện tôm là mặt hàng chủ yếu trong nhóm hàng thủy sản xuất khẩu. Năm 2009 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng tôm đạt 1,51 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Việc được hưởng thuế suất bằng 0% sẽ là một cơ hội rất lớn cho tôm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản.
Từ năm 2010 này, việc triển khai đồng bộ VJEPA sẽ là một cơ hội lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh nông, thủy sản Việt Nam. Trong tuần đầu tháng 1 này nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản, nông sản của Việt Nam đã được khách hàng Nhật điện sang đặt thêm đã tăng 15% so với trước. Hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang rất lạc quan trước tình hình này.
Tham tán thương mại tại Nhật cũng nhận định rằng, Hiệp định là một cơ hội lớn cho hàng nông, thủy sản của Việt Nam vào Nhật, đặc biệt nhu cầu nông sản và thủy sản của Nhật là rất lớn. Trong điều kiện tự nhiên Việt Nam có rau quả bốn mùa xanh tươi rất có lợi thế khi xuất sang Nhật ở xứ hàn đới, nhất là vào mùa đông. Do khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Nhật bị giảm sút nhiều nên nước này đã mở cửa trở lại với thị trường nhập khẩu rau quả. Nhiều loại trái cây như chuối, dứa, xoài,... của Việt Nam được ưa chuộng ở Nhật. Nếu được giảm thuế, rau quả của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội lớn ở thị trường này.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay đối với hàng nông, thủy sản Việt Nam xuất sang Nhật là phải bảo đảm chất lượng, đạt các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Nước Nhật vốn đặt ra yêu cầu rất cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể nói là cao nhất thế giới. Năm 2007, Nhật đã nhiều lần cảnh báo về những thủy sản không đạt yêu cầu vệ sinh của Việt Nam. Có mặt hàng đã tới ngưỡng cấm nhập. Ngành thủy sản Việt Nam đã phải triển khai nhiều biện pháp nghiêm ngặt quản lý chất lượng thủy sản xuất khẩu. Nay thị trường đã mở toang, chỉ còn rào cản kỹ thuật về chất lượng vệ sinh thì càng phải chú trọng không để sơ sảy. Nếu không sẽ bị tuýt còi và bị cấm vào. Dễ mà khó là vậy.