Thị trường trọng điểm
Hiện nay, quan hệ thương mại Việt Nam - Trung Quốc đã, đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, và đang là thị trường trọng điểm của Việt Nam về xuất khẩu. Còn trên phương diện tổng thể, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất. Theo thống kê, năm 2015, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc trong ASEAN, với tổng kim ngạch thương mại song phương Trung - Việt đạt 95,8 tỷ USD, tăng 14,6% so với năm 2014.
Hết tháng 7 năm 2016, Việt Nam đã vươn lên là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN với tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 52,26 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam 33,52 tỷ USD, giảm 7,9%; nhập khẩu 18,74 tỷ USD, tăng 13,1%; xuất siêu 14,78 tỷ USD. Đáng chú ý, nhập khẩu của Trung Quốc từ các nước ASEAN đều giảm (kim ngạch nhập khẩu bình quân của Trung Quốc từ khối ASEAN giảm 8,8%) thì kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng đáng ghi nhận.
Vẫn thiếu thông tin
Là DN đang hoạt động trong lĩnh vực thời trang cũng như các sản phẩm giày dép, phụ kiện, bà Vương Thùy Hương - Công ty CP Naly cho biết, qua một thời gian tìm hiểu, Công ty đã nắm bắt được nhiều điểm tương đồng trong gu thẩm mỹ, văn hóa tiêu dùng của người Trung Quốc với Việt Nam. Do đó Công ty đã điểu chỉnh, tạo ra sản phẩm đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu, có thể đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của thị trường này.
Đánh giá thị trường Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ lớn, song ông Bùi Đức Sơn - Trưởng phòng Xuất nhập khẩu (Công ty CP Visimex) cho rằng, khó khăn hiện nay là phân khúc thị trường đã có sự phân chia rõ rệt khi đã có khách hàng hướng đến sản phẩm cao cấp, nhưng nhiều DN Việt Nam mới chỉ đáp ứng các sản phẩm mức trung bình và chủ yếu là gia công. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng xuất chủ yếu qua đường tiểu ngạch nên có DN tuân thủ giao thương chưa tốt gây khó khăn, thiệt hại cho DN Việt Nam khi không có điều kiện khảo sát tìm hiểu. Do đó, mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ DN trong việc duy trì mức độ ổn định, tránh tình trạng đang xuất khẩu vài đơn hàng lại ách tắc. Ngoài ra, cần thực hiện tốt lộ trình cắt giảm thuế, nhất là sản phẩm nông sản giúp DN tận dụng cơ hội xuất khẩu.
Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) cho rằng, tăng cường quan hệ thương mại giữa hai bên, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu, giảm bớt nhập siêu từ thị trường Trung Quốc nên Cục XTTM thường xuyên cung cấp các thông tin thị trường, hỗ trợ cụ thể và hiệu quả giúp DN trong nước hiểu thêm về kiểm dịch hàng hóa khi xuất khẩu chính ngạch các ngành hàng thế mạnh như: gạo, sắn, cao su, rau quả, chè, tôm, cá da trơn… vào thị trường Trung Quốc. Đó chính là mong muốn giúp DN Việt Nam phát triển hơn nữa, phát triển kinh doanh theo hướng chính ngạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh được rủi ro.
Tuy nhiên, ông Đỗ Kim Lang cũng khuyến cáo, các DN Việt Nam trong giao dịch, kinh doanh tại Trung Quốc cần thông qua hệ thống này nhằm xác minh thực lực và uy tín của các DN Trung Quốc, thực hiện các giao dịch bằng hợp đồng, thông lệ quốc tế để có tính ràng buộc.
Các DN Việt nên tìm hiểu sâu về các quy định nhập khẩu, cập nhật thông tin thị trường, các quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu người tiêu dùng tại các địa phương Trung Quốc; tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến và mở rộng thị trường do các cơ quan, tổ chức và hiệp hội tổ chức… để có thể đi sâu vào thị trường này. Ông Đỗ Kim Lang - Phó Cục trưởng Cục XTTM, Bộ Công Thương |