Xuất khẩu dựa vào doanh nghiệp FDI
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, 2 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam đạt 18,97 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ 2012.
Các doanh nghiệp FDI tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn cho kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong ảnh: Lắp ráp điện thoại Samsung tại Khu công nghiệp Bắc Ninh.Ảnh: Hải Linh
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, nguyên nhân của việc xuất siêu trong 2 tháng qua là do nhóm hàng cần kiểm soát và nhóm cần thiết nhập khẩu đã tăng chậm, điều này góp phần nới rộng khoảng cách giữa XK và nhập khẩu (NK) tạo ra xuất siêu. Nhưng điều quan trọng khiến XK tăng trưởng là do khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã đẩy mạnh XK với tốc độ lớn. Nếu tính cả dầu thô, trong 2 tháng qua DN FDI xuất siêu 2,97 tỷ USD, trong khi khối DN trong nước nhập siêu 1,29 tỷ USD. Nhiều mặt hàng XK của DN FDI có tốc độ tăng trưởng cao, như, mặt hàng điện thoại di động tăng 136%; máy vi tính, sản phẩm điện tử 83,8%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện với mức tăng trưởng XK lên đến 241%... Trong đó, mặt hàng điện thoại di động của Samsung đã có mức đóng góp tới hơn 2,67 tỷ USD trong 2 tháng. Dự kiến trong năm 2013, các DN FDI vẫn tiếp tục đóng góp tỷ trọng lớn cho kim ngạch XK cả nước.
Sở dĩ DN FDI có thể đẩy mạnh được hoạt động XK hàng hóa là do có những lợi thế trong việc đảm bảo chi phí đầu vào thấp hơn DN Việt Nam, nhất là việc cung ứng nguyên nhiên vật liệu, chi phí vốn, lãi suất và các yếu tố khác. Mặt khác, DN FDI có thị trường tiêu thụ, kênh phân phối và bán buôn, bán lẻ ổn định, tổ chức bài bản từ công ty mẹ nên ít bị ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính.
Trong khi tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trong nước còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hạn chế NK nguyên, vật liệu. Điều này cho thấy năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam vẫn còn thấp, cần phải có sự cải thiện mạnh mẽ hơn trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành sản phẩm.
Sản xuất trầm lắng
Mặc dù việc liên tục xuất siêu trong 2 tháng qua là tín hiệu đáng mừng sau nhiều năm nhập siêu nhưng hoạt động XK của Việt Nam chủ yếu dựa vào việc gia công hàng hóa cho nước ngoài nên lượng nguyên liệu nhập khẩu vẫn rất lớn. Việc xuất siêu cho thấy sản xuất gặp khó khăn nên hoạt động NK đã giảm đáng kể.
Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, mặc dù xuất siêu tháng 2/2013 cao hơn tháng 1 nhưng tổng XK tháng 2 lại thấp hơn tháng 1 và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, XK tháng 2 chỉ bằng 90,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 65,3% so với tháng 1 của năm 2013. Bên cạnh đó, giá trị các mặt hàng xuất siêu không cao, chủ yếu là hàng gia công nhập khẩu và phụ thuộc khá lớn vào việc tăng XK vàng và giảm nhập khẩu hàng tiêu dùng thiết yếu sau Tết.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, hiện tượng xuất siêu không phản ánh cơ cấu kinh tế đã thay đổi mà thể hiện những dấu hiệu bất thường của nền kinh tế. Xuất siêu cho thấy hoạt động sản xuất và XK đang bị thu hẹp do "đầu vào" là nguyên vật liệu nhập khẩu và khả năng hấp thụ đầu vào của nền kinh tế đang giảm mạnh. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng việc xuất siêu trong 2 tháng qua cho thấy sản xuất trong nước vẫn tiếp tục trầm lắng dẫn đến sự giảm sút về nhu cầu sử dụng nguyên liệu, vật tư trên phạm vi rộng, qua đó phản ánh hoạt động sản xuất cầm chừng của hàng ngàn DN.
Nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, đẩy mạnh XK hàng hóa, từ đó hỗ trợ DN trong nước phát triển, Bộ Công Thương đang rà soát hoạt động xuất nhập khẩu, từ đó giảm NK những mặt hàng không khuyến khích hoặc cần hạn chế. Bên cạnh đó, kết hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng trong hoạt động xúc tiến thương mại, tăng cường khai thác thị trường truyền thống cũng như thâm nhập thị trường mới.