Xuất siêu tăng mạnh: Tín hiệu khả quan

Đức Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 3 tháng nhập siêu và xuất siêu thấp (tháng 5 nhập siêu 955 triệu USD, tháng 6 xuất siêu 800 triệu USD, tháng 7 nhập siêu 641 triệu USD), tháng 8 đã xuất siêu lớn (1.973 triệu USD) và nửa đầu tháng 9 tiếp tục xuất siêu khá (870 triệu USD). Như vậy tổng xuất siêu tính từ đầu năm đến 15/9 là 5,57 tỷ USD.

Dây chuyển sản xuất bản mạch điện tử theo công nghệ SMT tại Công ty TNHH 4P (Hưng Yên). Ảnh: Danh Lam
Con số này có một số điểm đáng lưu ý, đó là cao nhất so với cùng kỳ từ trước đến nay và cũng cao nhất so với mức xuất siêu tổng cả năm từ trước đến nay. Ngược chiều với vị thế nhập siêu (1.044 triệu USD) của cùng kỳ năm 2017, xuất siêu lớn trong tháng 8, nửa đầu tháng 9 và tính từ đầu năm đến 15/9 diễn ra ngoài dự đoán của nhiều người, kể cả của các chuyên gia.
Thực tế, cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam xảy ra từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn, từ ít mặt hàng đến tất cả các mặt hàng (dự kiến thêm 265 tỷ USD nữa, bằng tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc). Đây là tín hiệu khả quan để cả năm không những không nhập siêu lớn (6,9 - 7,1 tỷ USD) như kế hoạch đề ra mà còn xuất siêu khá.
Qua phân tích cho thấy, xuất siêu lớn và tăng trong 8 tháng do nhiều yếu tố. Trước hết là xuất khẩu đã đạt được vượt trội. Quy mô xuất khẩu đạt lớn nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay; chỉ trong 8 tháng đã lớn hơn mức xuất khẩu của cả năm 2015 (162 tỷ USD).
Tốc độ tăng so với cùng kỳ thuộc loại cao (16,3%), trong đó có một số mặt hàng có tốc độ tăng cao hơn (gạo, clanke và xi măng, xăng dầu các loại, hóa chất, sản phẩm hóa chất, chất dẻo nguyên liệu, sản phẩm từ chất dẻo, sản phẩm từ cao su, giấy và các sản phẩm từ giấy, hàng dệt may, sắt thép các loại, sản phẩm từ sắt thép, kim loại thường khác và sản phẩm, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, dây điện và cáp điện, đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận...).
Mới qua 8 tháng, đã có 25 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD. Xuất khẩu trong 8 tháng sang một số thị trường tăng cao hơn tốc độ chung (như Ấn Độ, Áo, Ba Lan, Campuchia, Đài Loan, Hàn Quốc, Hungary, Indonesia, Myanmar, Australia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc...). Mới qua 8 tháng, đã có 28 thị trường đạt trên 1 tỷ USD...
Nhập khẩu tính từ đầu năm đến 15/9 tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng tương ứng của xuất khẩu, trong đó của khu vực trong nước còn thấp hơn; một số mặt hàng nhập khẩu còn bị giảm (như hạt điều, thức ăn gia súc và nguyên liệu, phân bón, thuốc trừ sâu và nguyên liệu, máy móc, thiết bị và dụng cụ, phụ tùng khác, ô tô nguyên chiếc...).
Theo các chuyên gia, tuy xuất siêu tăng mạnh, nhưng chưa thể chủ quan, thỏa mãn, bởi xuất siêu chưa bền vững, do tác động của nhiều yếu tố, trong đó có 2 yếu tố chủ yếu. Yếu tố ở trong nước là hiệu quả và sức cạnh tranh vẫn còn thấp, tính gia công lắp ráp còn lớn, tỷ trọng của khu vực trong nước còn thấp... Yếu tố từ nước ngoài là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, kéo theo sự mất giá của một số đồng nội tệ so với USD của một số thị trường lớn của Việt Nam lớn hơn tỷ giá VND/USD...