Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xúc động, cảm phục những tấm gương bình dị

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, 5 năm qua đã xuất hiện nhiều cách làm hiệu quả, nhiều mô hình tiên tiến.

Trong khuôn khổ Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), chiều 6/12, trong không khí trang trọng mà đầy xúc động, chương trình “Biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” và “Giao lưu với các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua yêu nước” đã được tổ chức.

Tới dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, đại diện các bộ, ngành, địa phương và 1.800 đại biểu chính thức.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 10 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: VGP

Tôn vinh hàng trăm địa phương, đơn vị xây dựng Nông thôn mới

Trong các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi 5 năm qua, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” đã đạt nhiều kết quả nổi bật. 100% tỉnh, TP và hầu hết các bộ, ngành T.Ư đã phát động, ký giao ước thi đua với nhiều nội dung cụ thể, thiết thực; lựa chọn và đăng ký 600 huyện, gần 200 xã chỉ đạo điểm phong trào thi đua… Công tác tuyên truyền cũng được triển khai sâu rộng, kịp thời giúp cán bộ, Đảng viên và Nhân dân hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa, cơ chế chính sách… của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM. Hết tháng 10/2015, cả nước có 1.211 xã, chiếm trên 13% tổng số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; các tỉnh có số xã đạt chuẩn NTM tỷ lệ cao là Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... 10 huyện đạt chuẩn NTM, trong đó Hà Nội có huyện Đan Phượng. Giai đoạn 2015 - 2020, phong trào đặt mục tiêu đổi mới nội dung, hình thức để nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 50% số xã trên toàn quốc, thường xuyên nhân rộng các kinh nghiệm hay.

Ghi nhận, biểu dương các địa phương, đơn vị xuất sắc trong phong trào, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước cho 13 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư gồm: TP Hà Nội, Hồ Chí Minh, tỉnh Thái Nguyên, Nam Định, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bình Định, Lâm Đồng, Đồng Nai, Hậu Giang, Long An, Lào Cai, Lai Châu; trao Cờ Thi đua của Chính phủ cho 10 huyện đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng (Hà Nội), Củ Chi, Hóc-môn, Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh), Hải Hậu (Nam Định), thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh), huyện Xuân Lộc, thị xã Long Khánh (Đồng Nai), huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng), thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang).

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho 14 bộ, ban, ngành, DN trực thuộc T.Ư gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT, Bộ LĐ-TB&XH, Ban Dân vận T.Ư, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty xi măng Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh trao Bằng khen của Thủ tướng cho 66 huyện đạt chuẩn NTM và 450 xã tiêu biểu trong các phong trào thi đua.

Thi đua là không ngừng đam mê, cống hiến

Xoay quanh vấn đề “Làm thế nào tạo động lực mạnh mẽ hơn cho các phong trào thi đua sắp tới?”, buổi giao lưu với 7 điển hình tiên tiến đại diện cho các phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc đã lấy ý tưởng từ mô hình “chiếc quạt giấy” mà Bác Hồ tặng cho đồng chí Hoàng Đạo Thúy năm 1948 với lời nhắn nhủ: “Hãy quạt cho các phong trào thi đua lớn mạnh lên”.

Vinh dự đại diện cho các tấm gương cá nhân xuất sắc của tỉnh Đồng Tháp xa xôi về dự Đại hội và tham gia giao lưu, điển hình kỹ sư nông dân, sản xuất máy móc và xuất khẩu ra nước ngoài, ông Phan Tấn Bện - Giám đốc Công ty TNHH MTV cơ khí nông nghiệp Phan Tấn (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) chia sẻ: “Tôi nghĩ, để thi đua đạt hiệu quả cao nhất, bất kỳ ai khi bắt tay vào thực hiện công việc nào đều cần phải có sự đam mê, cộng với kinh nghiệm và không ngừng sáng tạo. Để chế tạo thành công máy cuốn rơm PT-CR57, tôi đã dành ra hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành cơ khí”. Cũng chính từ ý nghĩ như vậy, ông Bện đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại máy nông nghiệp mang thương hiệu “Made in Phan Tấn”, đến nay, Công ty TNHH MTV Phan Tấn xuất bán ra thị trường hàng ngàn máy nông nghiệp các loại, trong đó máy cuốn rơm PT-CR57 hiện bán với giá 286 triệu đồng/máy và còn xuất khẩu sang một số nước.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông - Nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngư Lộc 2 (Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) dù đã gần 70 tuổi, là một cô giáo về hưu nhưng 15 năm qua vẫn ngày ngày đi hết thôn này đến thôn khác, kể cả những hôm trái nắng trở trời để vận động các gia đình cho con em đến trường. Lớp học tình thương đầu tiên nằm ngay trong khoảng sân trước ngõ nhà cô Thông, thiếu bảng, thiếu sách vở…, cô bỏ tiền ra trang bị cho học sinh. “Còn khỏe, còn sáng mắt ngày nào, tôi còn dạy ngày đó để có thêm nhiều người biết đến cái chữ. Tôi muốn tiếp tục sự nghiệp trồng người, nhất là khi quê hương tôi rất khó khăn, xã tôi mới đạt 90% phổ cập giáo dục, nhiều người lớn tuổi không được đi học… Tôi quyết định làm một điều gì đó ý nghĩa, nên đã mở lớp học miễn phí cho các trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi, người lớn mù chữ…”, cô Thông chia sẻ.

Điển hình cho lĩnh vực an ninh, Đại úy Nguyễn Thành Hưng, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) hơn 10 năm trong nghề đã tham gia hơn 20 chuyên án lớn, được cấp trên và đồng nghiệp đánh giá là một chiến sỹ luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ dù vụ án có tính chất nguy hiểm đến thế nào. “Khi tham gia các vụ trọng án, cảm nhận được sự đau xót mất mát, nhìn ánh mắt vô hồn của người thân nạn nhân…, chúng tôi thấy như chính người thân của mình đang gặp nạn, nên tự hứa với nhau sẽ tìm ra hung thủ trong thời gian sớm nhất. Khi đó, cũng không phải là chiến công mà đơn giản chỉ là hoàn thành nhiệm vụ”, đại úy Hưng nói.

Với ThS. Bác sỹ Bùi Đình Lĩnh - Giám đốc Trung tâm Y tế quân dân y huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, coi đảo là quê hương 30 năm nay nên “không còn khái niệm đi và về. Dù nhiều hoàn cảnh khiến tôi do dự có nên gắn bó với đảo nữa hay không, nhưng nhờ những lá thư của vợ con đã giúp tôi có thêm động lực cống hiến. Tôi cũng muốn nhắn nhủ các đồng nghiệp: Hãy vì bệnh nhân thân yêu, như Bác Hồ đã dạy, phải luôn coi bệnh nhân như người thân của mình, không ngừng đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình, sau hơn 1 năm không tìm được việc làm, năm 1984, bác sỹ Lĩnh đã xung phong ra đảo Phú Quý để có thể được làm nghề. Sau gần 30 năm luôn có mặt ở “nơi Tổ quốc cần”, bác sỹ Lĩnh đã cùng anh em xây dựng nên Trung tâm Y tế quân dân y huyện Phú Quý, hiện đang đóng vai trò hậu cứ của Trường Sa, làm bàn đạp cho các binh chủng và là trạm tiếp xăng, nơi trú bão cho ngư dân đánh bắt xa bờ, nơi cấp cứu tai nạn trên biển.

Cũng tại Chương trình, các đại biểu đã được giao lưu với các gương điển hình tiên tiến trong nhiều lĩnh vực khác, như: Bà Nguyễn Ánh Viên - vận động viên bơi lội; ông Lê Văn Xê - Chủ trang trại Phương Uyên, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; ông Lê Đức Thịnh - Hiệp sỹ đại thánh giá, Giáo hội công giáo Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ đã tặng hoa chúc mừng và động viên, biểu dương các gương điển hình tiên tiến tham gia giao lưu.