Xúc động Cầu truyền hình “Hoài bão Hồ Chí Minh”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tối 18/5, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức Cầu truyền hình “Hoài bão Hồ Chí Minh”, tái hiện sống động những ký ức về cuộc đời và sự nghiệp của Người.

Chương trình Cầu truyền hình “Hoài bão Hồ Chí Minh” được truyền hình trực tiếp từ 3 điểm cầu: Quảng trường Ba Đình (Hà Nội); làng Hoàng Trù (tỉnh Nghệ An); tòa nhà Bitexco (TP Hồ Chí Minh).
MC Diễm Quỳnh trò chuyện với nhà báo - nhà văn Mỹ Lady Borton tại điểm cầu quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: VTV
MC Diễm Quỳnh trò chuyện với nhà báo - nhà văn Mỹ Lady Borton tại điểm cầu quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: VTV
Thông qua Chương trình, những câu chuyện về tình yêu Tổ quốc, về khát vọng hòa bình và ý chí mạnh mẽ của Người với lòng quyết tâm sẵn sàng hy sinh để thực hiện hoài bão lớn được thể hiện một cách rõ ràng và giàu cảm xúc. Bên cạnh đó, hình ảnh làng Hoàng Trù sống động với những cảnh quay ấn tượng.

Cầu truyền hình “Hoài bão Hồ Chí Minh” lấy tâm điểm là hoài bão lớn về độc lập, tự do cho dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết cấu được xây dựng gồm 3 phần: Hoài bão độc lập tự do (1911-1941), Hoài bão hòa bình thống nhất (1945-1969) và Viết tiếp hoài bão mang tên Người, với yếu tố thời gian là chính, là sợi dây gắn kết nội dung. Mỗi phần của Hoài bão Hồ Chí Minh gắn với một khoảng thời gian trong tiến trình lịch sử, từ khi Bác Hồ bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước cho tới thời điểm hiện tại, khi lớp người trẻ yêu Tổ quốc và dựng xây đất nước bằng chính những ước nguyện và hoài bão của Người.

“Hoài bão Hồ Chí Minh” đã dẫn dắt người xem đến với cuộc đời của Người từ quê mẹ ra đi, bôn ba rồi trở về, cùng dân tộc làm nên những trang sử chói lọi của thế kỷ 20.

Những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh được dẫn dắt theo từng dấu mốc của lịch sử, thông qua nhiều phóng sự, tư liệu được ghi hình ở trong và ngoài nước hay được kể lại đầy chân thực và xúc động qua cuộc trò chuyện của MC Diễm Quỳnh với nhà báo - nhà văn Mỹ Lady Borton, tác giả cuốn sách Hồ Chí Minh - Một hành trình.
Cụm di tích Hoàng Trù lung linh trong đêm cầu truyền hình.
Cụm di tích Hoàng Trù lung linh trong đêm cầu truyền hình.
Không dừng lại ở đó, nhiều câu chuyện về Bác Hồ còn được kể qua chia sẻ của các nhân chứng lịch sử như: Đại tá - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Phùng Văn Khầu, nhà giáo Võ Phổ - người thiếu niên từng có cơ hội gặp Bác Hồ, bà Ngô Thị Oanh - y tá chăm sóc Bác Hồ năm 1969… Họ vẫn luôn giữ lại trong mình những ký ức về Người suốt nhiều năm qua.

Những câu chuyện này đã trở nên sống động hơn qua một số hoạt cảnh được tái hiện ngay trên sân khấu tại điểm cầu quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Cầu truyền hình Hoài bão Hồ Chí Minh có sự góp mặt của các ca sĩ: Anh Thơ, Vũ Thắng Lợi, Lan Anh, NSND Thu Hiền, NSƯT Quang Lý… cùng nhiều các thanh niên, học sinh, sinh viên ở cả 2 điểm cầu. Họ đã cất vang lời ca của những ca khúc gắn liền với từng thời kỳ trong cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.