Nỗi lo kinh phí
Những năm qua, Saigontourist đã tích cực quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam đến nhiều thị trường châu Âu, Mỹ, châu Á, nơi có nhiều tiềm năng khách du lịch. Nhờ tăng cường quảng bá, đến nay, đơn vị đã có quan hệ hợp tác du lịch với 30 nước trên thế giới.
Trong khi các DN du lịch đã có nhiều hoạt động tích cực trong xúc tiến phát triển du lịch (XTDL), hoạt động này của Tổng cục Du lịch (TCDL) đang gặp nhiều khó khăn do kinh phí hoạt động thiếu. Năm 2011, kinh phí cho XTDL chỉ có 35 tỷ đồng. Năm 2012, còn 30 tỷ đồng. Trong khi, một số DN lữ hành như Saigontourist (mỗi năm chi 104 tỷ đồng) hay Vietravel (chi 36 tỷ đồng).
Du khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).Ảnh: Nam Ngọc
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng TCDL cho rằng, việc triển khai XTDL cũng vì thế thiếu chủ động, chỉ bó hẹp trong phạm vi ngành. Cũng vì lý do này, đến nay du lịch Việt Nam không có văn phòng đại diện tại nước ngoài để quảng bá cho du lịch nước nhà. Trong khi đó, đối với phần lớn các doanh nghiệp (DN) kinh doanh du lịch, lữ hành trên thế giới và trong khu vực, việc mở các văn phòng này luôn được đánh giá là khâu quan trọng cho việc tiếp cận thị trường.
Kinh phí thấp, nhưng cách sử dụng kinh phí hiệu quả dường như chưa được tính đến. Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch Phạm Trung Lương phản ánh: Nhiều chương trình XTDL ở nước ngoài, DN phải lấy thông tin về du lịch Việt Nam trên mạng, in, photo để đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu của khách hàng về các điểm đến của Việt Nam. Đó là chưa kể việc mạnh ai nấy làm, khiến nguồn lực XTDL bị phân tán, kết quả thu về không như mong muốn.
Cần cách làm mới
Để thúc đẩy mạnh hoạt động XTDL trong hoàn cảnh hiện nay, bên cạnh việc Nhà nước bổ sung thêm kinh phí, ngành du lịch cũng cần cải tiến cách thức tổ chức. Theo TS Đỗ Cẩm Thơ, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, yêu cầu hàng đầu trong XTDL là việc hợp tác giữa TCDL với các DN, hiệp hội du lịch. Tổng cục cần đưa ra mô hình và lộ trình hợp tác cụ thể trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia, lợi ích của DN.
Ông Lưu Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hàng không cho rằng: Nên bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng giao tiếp, ứng xử với khách du lịch cho đội ngũ cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh để tạo cảm giác thân thiện, cách phục vụ chuyên nghiệp ngay khi du khách đặt chân tới Việt Nam. Hãy làm những điều đơn giản trước khi tổ chức những hội chợ rầm rộ hay lễ hội tốn kém.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM nêu kinh nghiệm: Thay vì tổ chức XTDL đơn lẻ, TP. HCM đã liên kết với các địa phương để giới thiệu sản phẩm du lịch độc đáo mang tính liên vùng (Đường hoa Nguyễn Huệ, Liên hoan Ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội Trái cây Nam bộ)… Nhờ đó, ngành du lịch TP. HCM tăng trưởng trung bình hơn 20%/năm.
Cùng với những giải pháp trên, ý kiến chung của các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới nên tập trung nghiên cứu thị trường, tận dụng và huy động tối đa các nguồn lực, đầu tư có trọng điểm trong điều kiện kinh phí hạn hẹp; Tận dụng thế mạnh của internet trong công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch đặc trưng; Xây dựng các thông điệp cho từng loại hình sản phẩm bảo đảm tính nhất quán và tập trung quảng bá hiệu quả tới những đối tượng mục tiêu để du khách quốc tế có cảm nhận sâu đậm, ấn tượng về thương hiệu du lịch Việt Nam...