Xung đột Anh - Iran không hẳn vì "a dua" Mỹ

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan hệ giữa London và Tehran chứng kiến một lịch sử mâu thuẫn sâu sắc hơn nhiều để có thể dẫn đến vụ Iran bắt giữ tàu chở dầu Anh mới đây, thay vì được cho là chịu tác động bởi tình đồng minh Anh - Mỹ.

Cảnh cắt từ đoạn ghi hình sự tiếp quản của một tàu chở dầu có cờ của Anh ở Eo biển Hormuz do Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran công bố hôm 20/7.

Mỹ hay Anh là "ông trùm"?
Tháng 8/2015, Ngoại trưởng Anh lúc bấy giờ Philip Hammond nói rằng việc mở lại đại sứ quán Anh ở Tehran đánh dấu một cột mốc quan trọng, mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước.
Điều đó diễn ra chỉ 6 tuần sau khi đạt được thỏa thuận quốc tế nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy các hình phạt đã bóp nghẹt nền kinh tế của nước này - JCPOA. Nhưng kể từ khi hiệp định bắt đầu rạn nứt vào năm ngoái do Mỹ đơn phương rút khỏi, căng thẳng giữa Anh và Iran lại gia tăng.
Sau đó, vào hôm 19/7 vừa qua, một vụ bắt giữ kịch tính đối với một tàu chở dầu mang cờ Anh đã diễn ra ở vùng Vịnh, được xem như là một sự trả đũa nhanh chóng của Tehran trước việc London giam giữ một tàu chở dầu Iran qua biển Địa Trung Hải trước đó. Anh đã tổ chức một cuộc họp an ninh khẩn cấp vào đêm khuya cùng ngày và cảnh báo Iran đang gây "hậu quả nghiêm trọng".
Quan hệ của Anh với Iran kéo dài từ những năm 1600 và được đánh dấu bằng nhiều giai đoạn xung đột, trong đó một số được giải quyết khá nhanh chóng và một số khác tồn tại đến ngày nay - chẳng hạn, người Iran hiện vẫn đổ lỗi cho nước Anh vì nạn đói 100 năm trước.
Đa phần đều cảm nhận, chính sách ngoại giao với Iran của Anh trước nay là một trò "nước đôi", thậm chí theo giáo sư sử học hiện đại Trung Đông tại ĐH Andrews - Ali Ansari, người Anh có thể mới là "kẻ thao túng" mâu thuẫn Mỹ - Iran trước nay.
Về cơ bản, Anh hiện là một phần của bộ ba cường quốc châu Âu đang cố gắng giải cứu thỏa thuận hạt nhân mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "xé bỏ", tuy nhiên nước này cũng đang trong quá trình tách khỏi Liên minh châu Âu và mong muốn có một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ - hiện vẫn là nền kinh tế thống trị thế giới.
Cần lưu ý, nền chính trị Anh đang bị tàn phá bởi Brexit, buộc phải thay đổi Thủ tướng. Trong đó, 2 ứng cử viên nặng ký cho vai trò lãnh đạo sắp tới tình cờ đều là Ngoại trưởng và cựu Ngoại trưởng Anh, Jeremy Hunt và Boris Johnson và đều được ông Trump gọi là "bạn".
Quan hệ London - Tehran đã từng có dấu hiệu khởi sắc vào năm 2015. Ảnh: Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) bắt tay người đồng cấp Anh Philip Hammond vào tháng 8/2015.
Thuộc địa ảo
Iran chưa bao giờ là thuộc địa của bất cứ đế quốc nào, tuy nhiên Anh đã tạo ra những ảnh hưởng đáng kể ở đất nước này trong nhiều thế kỷ, đặc biệt là trong cuộc chiến tranh dành sự thống trị Trung Á với Sa hoàng Nga vào thế kỷ XIX. Ba Tư thời điểm đó, bao gồm Iran ngày nay, đã phải đấu tranh để cân bằng các yêu cầu của 2 cường quốc, mà Anh là bên được cho đã để lại những "vết sẹo" chính trị sâu sắc hơn, xoay quanh vấn đề dầu mỏ.
Năm 1901, doanh nhân người Anh William Knox D'Arcy bắt đầu tìm kiếm nguồn "vàng lỏng" ở Ba Tư và theo các điều khoản của thỏa thuận với chế độ quân chủ, ông trở thành chủ sở hữu duy nhất của bất kỳ loại dầu nào ông tìm thấy. Trong khi đó, Ba Tư sẽ chỉ nhận được 16% lợi nhuận hàng năm và không được can thiệp vào cách DN được điều hành. Công ty dầu mỏ Ba Tư đã ra đời 7 năm sau đó khi các nhà khảo sát của D'Arcy phát hiện dầu thô bên dưới sa mạc phía Nam.
Chính phủ Anh còn đầu tư vốn mới vào DN này ngay trước Thế chiến I, mang về quyền lợi kiểm soát và xây dựng nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới gần Vịnh Ba Tư để xử lý dầu và đưa nó ngược trở lại Anh.
Công ty này được đánh giá đã điều hành khu bản địa như một thuộc địa ảo: Các nhân viên người Anh và gia đình họ sống xa hoa trong một ốc đảo yên bình ở một bên của TP, trong khi những người lao động không phải là người Anh tập trung tại một thị trấn tồi tàn.
Các cuộc đình công và bạo loạn vì thế đã nổ ra, dù chỉ là lẻ tẻ. Phải đến năm 1951, khi làn sóng chống chủ nghĩa thực dân càn quét khu vực, DN nói trên đã bị quốc hữu hóa dưới chính quyền Thủ tướng Mohammad Mosaddegh. Iran đã hủy bỏ quyền khai thác dầu và tịch thu tài sản của nó, buộc Anh phải đóng cửa các nhà máy lọc dầu. Đáp lại, London cũng phong tỏa các cảng Iran và đóng băng các tài khoản ngân hàng của Iran.
Khi chính phủ ông Mosaddegh cho thấy thế thượng phong, người Anh được cho đã vận động Mỹ để cùng nhau lật đổ ông này vào năm 1953 trong một cuộc đảo chính thành công.
Dầu Iran bắt đầu chảy trở lại và công ty vốn chủ yếu của Anh - lúc đó đổi tên thành Dầu mỏ Anh và hiện được gọi là BP - đã cố gắng lấy lại vị thế cũ. Tuy nhiên, dư luận Iran đã phản đối quyết liệt chính phủ mới không thể để điều đó xảy ra. Thay vào đó, nó buộc phải chấp nhận tư cách thành viên trong một tập đoàn các công ty. Sau khi làn sóng kích động của những năm 1950 bị làm cho suy yếu trong Cách mạng Hồi giáo 1979, chế độ bài phương Tây của cựu Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini đã quốc hữu hóa ngành công nghiệp dầu mỏ một lần nữa.
Giọt nước tràn ly
Việc bắt giữ tàu chở dầu Iran ra khỏi mũi phía Nam của Tây Ban Nha hồi đầu tháng này, giống như hầu hết chính sách của Mỹ đối với Iran dưới thời Tổng thống Trump, đã cho thấy sự thống nhất phe phái chính trị thời điểm này. Nó cũng đem đến cho quốc gia Cộng hòa Hồi giáo một cơ hội mới để "trừng phạt" nước Anh cho việc can thiệp vào các vấn đề của Iran.
Cuộc chiến tranh Iran - Iraq những năm 1980, trong đó Anh ủng hộ chính quyền Saddam Hussein từng là một trong những điểm thấp nhất trong mối quan hệ giữa hai quốc gia. Gần đây hơn, số phận của công dân mang 2 quốc tịch Anh - Iran, Nazanin Zaghari Ratcliffe - bị Iran bắt giữ vì tội gián điệp từ năm 2016 - cũng được xem là "giọt nước tràn ly".
Trở lại thời điểm ngay trước vụ bắt giữ ồn ào hôm 19/7 ở eo biển Hozmuz, Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố rằng ông sẽ không để yên cho các "hành vi ác quỷ" của Anh. Những lời hùng biện đe dọa như vậy cũng từng được Tehran sử dụng vào năm 2011 trong một cuộc tấn công vào đại sứ quán Mỹ ở thru đô Iran, mà những kẻ quá khích đã để lại dòng chữ nguyền rủa "cái chết đến với nước Anh" trên bức chân dung của Nữ hoàng Elizabeth và bức tượng bán thân của Nữ hoàng Victoria tại đây.
Sau đó, Anh chính thức đóng cửa đại sứ quán tại Tehran.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần