Phía BHXH Việt Nam cho rằng, đơn vị đã thực hiện giao và hướng dẫn thực hiện dự toán thu, chi quỹ BHXH, BHYT, BHTN cho BHXH các tỉnh, TP theo Luật Ngân sách Nhà nước, phân cấp quản lý ngân sách cho địa phương, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 60/2015/QĐ-TTg ngày 27/11/2015 quy định cơ chế quản lý tài chính về BHXH, BHYT, BHTN và chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN. Sau khi có Quyết định này, BHXH Việt Nam có trách nhiệm giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc.
Bên cạnh đó, theo quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện, quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, nguồn kinh phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT được sử dụng trong năm bằng 90% số thực thu quỹ BHYT; nguồn dự phòng được sử dụng trong năm cũng sẽ được cấp bổ sung trong trường hợp số chi lớn hơn số thu vì các nguyên nhân khách quan đã được thẩm định. Vì vậy, trong hướng dẫn dự toán chi này, BHXH Việt Nam đã đề nghị BHXH các tỉnh, TP phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch chi KCB BHYT theo dự toán chi tiết đến từng cơ sở KCB gồm cơ sở KCB ban đầu, chi KCB đa tuyến đến, chi KCB đa tuyến đi. Đây là việc làm thường xuyên hằng năm và hoàn toàn đúng với các quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện, đảm bảo tính công khai, minh bạch về tài chính, tạo điều kiện để các cơ sở KCB chủ động hơn về nguồn kinh phí KCB BHYT được sử dụng trong năm tài chính, góp phần tăng cường hiệu quả công tác quản lý, sử dụng quỹ BHYT.Mặt khác, thực tế thời gian qua, chi phí KCB BHYT liên tục gia tăng qua các năm. Chỉ tính đến hết quý 1/2017 các cơ sở KCB đã đề nghị cơ quan BHXH thanh toán cho hơn 35,3 triệu lượt KCB với trên 17,5 nghìn tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2016. Với tốc độ gia tăng chi phí trong 5 tháng đầu năm 2017 và không có các giải pháp hữu hiệu để kiểm soát chi phí thì dự báo quỹ KCB BHYT cả năm 2017 sẽ bị thiếu trên 10.000 tỷ đồng. Việc gia tăng chi phí KCB BHYT ngoài nguyên nhân khách quan do điều chỉnh giá DVYT có kết cấu thêm chi phí phụ cấp đặc thù và lương của nhân viên y tế (chiếm khoảng 30%) còn có nguyên nhân chủ quan từ tình trạng lạm dụng, trục lợi và lãng phí quỹ BHYT diễn ra phổ biến tại nhiều cơ sở KCB với các hình thức ngày càng tinh vi và rộng rãi hơn. Vì vậy, việc giao dự toán chi cho các địa phương là giải pháp để tăng cường kiểm soát chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước cũng như khả năng chi trả của quỹ BHYT hiện nay.Trước đó, BHXH Việt Nam nhận được ý kiến từ Bộ Y tế về việc đề nghị không thực hiện việc giao dự toán KCB BHYT cho các cơ sở KCB. Bộ Y tế cho rằng: Việc BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, TP phối hợp với Sở Y tế giao dự toán chi KCB BHYT cho các cơ sở KCB năm 2017 là không đúng thẩm quyền, không đúng quy định của Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn. Vì vậy, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Y tế có văn bản đính chính nội công văn trên. Đồng thời, chỉ đạo các Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với BHXH các tỉnh, tăng cường kiểm soát chi phí KCB BHYT theo Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế và những nội dung đã được lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo BHXH Việt Nam thống nhất rất cao tại cuộc họp liên tịch ngày 21/8/2017.