Sự việc đã diễn ra một thời gian dài nhưng chính quyền sở tại chưa có biện pháp giải quyết.
Có mặt tại chân cầu Đông Trù thuộc địa bàn xã Đông Hội, huyện Đông Anh, chúng tôi ghi nhận, hàng chục nghìn mét vuông đất ven đường được các cá nhân, DN xếp bạt ngàn máy xúc, máy ủi, ô tô… để trưng bày và bán sản phẩm. Trên khu đất này đã được rào lưới bảo vệ và bên trong đặt vô số các container được "tân trang" thành các văn phòng giao dịch, như Công ty CP Xuất nhập khẩu ô tô Long Biên, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vĩnh Phát, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu quốc tế Anpha Việt Nam và Trung tâm Kinh doanh ô tô Long Giang…
Người dân trong khu vực cho biết, khoảng hơn một năm trước, các DN, cá nhân đua nhau san lấp, hình thành các bãi trưng bày và bán sản phẩm đông đúc như hiện nay. Cũng như vậy, dải đất dọc chân cầu Nhật Tân thuộc địa bàn xã Nguyên Khê (Đông Anh) cũng đang trưng bày máy xúc, máy ủi với mô hình tương tự. Được biết, Công ty Phát triển xây dựng và thương mại (DCC), thuộc Tập đoàn Thành Công đã sử dụng lô đất này gần 2 năm nay.
Trong buổi làm việc với phóng viên, ông với Đặng Xuân Thiện - Chủ tịch UBND xã Đông Hội cho biết, khu đất rộng khoảng 10.000m2 dưới chân cầu Đông Trù và 2 khu đất trống cạnh đường 5 (gần 20.000m2) nằm trong quy hoạch khu tái định cư Đông Hội do Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn quản lý. Theo quy hoạch, những khu đất này xây dựng các công trình phụ trợ cho khu tái định cư. Nhưng do dự án chưa thực hiện nên thời gian qua các cá nhân, DN đã tự ý san gạt và tạo dựng những khu tập kết xe như nêu trên. Qua kiểm tra, các DN, cá nhân đều chưa xuất trình được giấy tờ liên quan đến hoạt động trông giữ, buôn bán xe theo quy định.
Theo thẩm quyền, UBND xã Đông Hội đã nhiều lần nhắc nhở, kiểm tra và yêu cầu DN, cá nhân phải di dời các tài sản ra khỏi khu vực đất dự án. Tuy nhiên, do các sản phẩm trưng bày cũng như container đặt tại đây đều “cơ động” nên khi kiểm tra thì DN chuyển đi, hết kiểm tra lại kéo về (!). Hiện tại, UBND xã Đông Hội đã báo cáo, đề xuất UBND huyện Đông Anh, UBND TP Hà Nội cũng như Ban Quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn việc cho địa phương tạm quản lý, khai thác khu đất cho đến khi dự án được thực hiện. Nếu được chấp thuận, chính quyền địa phương vừa bảo đảm được công tác quản lý an toàn, vệ sinh môi trường trong khu vực vừa có thêm nguồn thu phục vụ phát triển hạ tầng tại cơ sở.
Liên quan đến khu đất rộng khoảng 5.000m2 tại xã Nguyên Khê đang sử dụng làm bãi trưng bày sản phẩm, ông Nguyễn Khắc Tuấn – Chủ tịch xã Nguyên Khê cho biết, đây là đất công do xã quản lý. Trước khi DN cải tạo sạch, đẹp thì phần đất này để hoang hóa, mất vệ sinh môi trường. Tuy không được cấp phép sử dụng theo đúng quy định, nhưng DN đang sử dụng đất đã hỗ trợ rất nhiều cho địa phương trong hoạt động cộng đồng. Mặt khác, DN trưng bày sản phẩm với mô hình “di động” nên sẽ lập tức trả lại mặt bằng khi có yêu cầu…
Dư luận cho rằng, dù có lý giải thế nào chăng nữa, thì các cá nhân, DN này đang sử dụng đất sai mục đích. Cơ quan chức năng cần có chế tài quản lý, xử lý không để kinh doanh tự phát cũng như nẩy sinh các vấn đề liên quan.