“Xưởng nấm là "quả bom nổ chậm" trong khu dân cư. Phải sống trong mùi hóa chất tích tụ lâu, chúng tôi sợ vào một ngày nào đó, nơi đây sẽ thành làng ung thư…”, người dân xóm Cao Sơn, thôn Cao Cương, xã Đông Quang, huyện Ba Vì bức xúc.
Rước nợ về làng
Ngày 6/8/2013, UBND xã Đông Quang cho Công ty TNHH Nấm Ba Vì (Công ty nấm) thuê trường mầm non khu cửa gò Mẫu Sơn với thời hạn 5 năm làm xưởng sản xuất. Theo đó, phía Công ty nấm được sử dụng diện tích hơn 2.000m2 làm nơi sản xuất nấm rơm. Nhưng Công ty lại không dùng nguyên liệu là rơm rạ mà dùng bông công nghiệp phế thải để sản xuất nấm. Theo phản ánh của người dân, không hiểu Công ty dùng loại hóa chất gì để xử lý, nhưng từ khi hoạt động (28/8/2013), xưởng nấm đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chất thải không qua xử lý vô tư xả ra làm ô nhiễm nguồn nước. Mùi từ xưởng nấm ngày đêm nồng nặc bốc lên làm người dân khó thở. Một người dân xóm Cao Sơn cho biết, từ lúc xưởng nấm đi vào hoạt động đến nay, người dân trong xóm ăn không ngon, ngủ không yên vì mùi và nước thải. Đặc biệt những ai đau ốm phải ra trạm y tế xã thì càng khổ sở, vì trại nấm nằm ngay bên cạnh.
Vì bị người dân phản ứng gay gắt, ngày 21/2/2014, UBND xã Đông Quang đã ra quyết định "đình chỉ hoạt động của xưởng nấm và khôi phục lại hiện trạng ban đầu". Gần một năm sau, ngày 19/6/2015, xã Đông Quang tiếp tục có thông báo, yêu cầu Công ty nấm phải tự tháo dỡ công trình vi phạm và chấm dứt hợp đồng cho thuê nhà. Nhưng có mặt tại xưởng nấm sáng 12/1 vừa qua, đập vào mắt chúng tôi là nhiều dãy lán được lợp bằng phên nứa tạm bợ. Phía trong là các dàn nấm chồng lên nhau có màu đen xỉn, bốc mùi vô cùng khó ngửi. Xưởng nấm vẫn hoạt động bình thường, không có dấu hiệu "đình chỉ hoạt động" như quyết định của UBND xã Đông Quang.
Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Đạo - người quản lý cho biết: Xưởng đi vào sản xuất từ năm 2013, nguyên liệu chính là bông công nghiệp phế thải được thu mua ở Thái Bình và Nam Định. Quy trình sản xuất rất đơn giản: "Chúng tôi chỉ tưới nước vôi và cấy phôi, khi nấm trưởng thành thì thu hoạch. Ngoài nước vôi, chúng tôi không phun thêm bất kỳ hóa chất gì và trại nấm cũng không có mùi và gây ô nhiễm". Nhưng khác với trình bày của ông Đạo, dạo một vòng quanh xưởng nấm, chúng tôi phải… bịt mũi chạy ra vì không khí ở đây toàn một mùi hôi khăn khẳn. Một cán bộ UBND huyện Ba Vì cho hay, mỗi khi có việc phải đi qua khu vực này đều phải đeo khẩu trang và chạy xe thật nhanh để tránh mùi xú uế phát ra từ trại nấm!
Để lâu… hóa bùn?
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Vũ Văn Triệu - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Quang cho biết: Nhà trẻ xây dựng xong do vị trí không phù hợp nên xã cho Công ty nấm thuê để tránh lãng phí… Nhưng khi người dân có ý kiến về xưởng nấm gây ô nhiễm, UBND xã đã có quyết định đình chỉ hoạt động: "Công ty chỉ chưa thực hiện việc tháo dỡ nhà xưởng, chứ thực tế đã dừng sản xuất. UBND xã chỉ cho thuê (thời hạn 5 năm) để làm văn phòng, nhưng do họ không thỏa thuận được với người dân để thuê đất (làm xưởng sản xuất) nên mới mở ngay tại chỗ. Sau khi kiểm tra, huyện không cho họ làm nữa... Nhiều lúc đi qua, chúng tôi cũng không phát hiện thấy mùi gì (?!)". Nói là thế, nhưng khi cùng chúng tôi mục sở thị xưởng nấm và thấy mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, ông Triệu lại cho rằng: “Vì còn một ít nguyên liệu nên họ (Công ty) tận dụng để… khỏi lãng phí!”.
Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Minh Thiện - Chủ tịch UBND xã Đông Quang quả quyết: Xã sẽ xử lý dứt điểm cơ sở ô nhiễm này trước Tết Nguyên đán 2016. Tuy nhiên, người dân địa phương vẫn nghi ngờ quyết tâm này vì đã từng nghe hứa nhiều lần mà sự việc vẫn y nguyên. Vì vậy, đề nghị chính quyền xã Đông Quang "mạnh tay" để người dân được hưởng một cái Tết mà… không phải đeo khẩu trang!
Kinhtedothi - Dù đã bị UBND xã Đông Quang đình chỉ nhưng xưởng nấm vẫn hoạt động bình thường. |