Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Xuởng tái chế phế liệu gây ô nhiễm tại huyện Sóc Sơn: Vì sao Sở Công Thương xin giãn tiến độ xử lý?

Ngọc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, tại khu vực giáp ranh cánh đồng thôn Thượng, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn tồn tại một khu xưởng tái chế phế liệu gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.

Địa phương kiên quyết đề nghị giải tỏa khu xưởng này, nhưng Sở Công Thương lại muốn giãn tiến độ xử lý (?).
Năng suất chỉ còn một nửa
Những ngày này, bà con thôn Thượng đang tất bật thu hoạch hoa nhài, nguồn sinh kế quan trọng nhất của người nông dân nơi đây. Gia đình bà Nguyễn Thị Nhung có 3 sào trồng hoa nhài nhưng hiện năng suất chỉ đạt khoảng 1 tạ/sào. Trong khi đó, hoa nhài trồng ở thôn khác cho năng suất tới gần gấp đôi. Theo bà Nhung, nguyên nhân là do khói bụi từ khu xưởng sản xuất nằm tiếp giáp khiến hoa không đơm bông được.
 Khu xưởng tái chế phế liệu nằm tiếp giáp vùng sản xuất nông nghiệp thôn Thượng, xã Đông Xuân.  Ảnh: Trọng Tùng
Hỏi chuyện một số bà con đang thu hái hoa nhài trên cánh đồng, phóng viên cũng nhận được câu trả lời tương tự về năng suất và nhận định về khả năng ảnh hưởng từ khu xưởng như trên. Bà Nguyễn Thị Huấn, thôn Thượng còn cho biết thêm, các xưởng ép thùng phuy chứa hóa chất có thể khiến đất đai và nguồn nước bị ô nhiễm. Đặc biệt, vào những buổi chiều tối, các xưởng tiến hành đốt tái chế sắt thép, khói bụi tỏa ra phủ kín con đường liên thôn chạy ra QL3 khiến việc đi lại và sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng lớn. Khói bụi gây ô nhiễm bao trùm lên cây trồng làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển, khiến năng suất cây trồng của người dân thấp hơn hẳn so với các khu vực khác.
Kiến nghị cho hoạt động đến hết năm 2018?
Theo ông Nguyễn Văn Chung - Chủ tịch UBND xã Đông Xuân, khu xưởng tái chế nằm trên đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64/NĐ-CP. Hai hộ ông Phạm Văn Bình và bà Trần Thị Thư đã thuê lại của người dân để sản xuất từ năm 2002. Hợp đồng thuê đất có thời hạn tới ngày 31/12/2018. Ông Bình mở 5 xưởng có tổng diện tích 4.040m2, bà Thư có 4 xưởng với tổng diện tích 5.150m2. Tổng số 9 xưởng tái chế đều thuộc địa bàn thôn Thượng. Trước tình trạng ô nhiễm từ khu xưởng sản xuất trên, cuối năm 2016, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành 2 quyết định cưỡng chế đối với toàn bộ 9 xưởng sản xuất. Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau khi huyện Sóc Sơn có các quyết định cưỡng chế, Sở Công Thương đã có Văn bản số 143/SCT-QLCN đề nghị các cấp có thẩm quyền, trực tiếp là UBND huyện Sóc Sơn cho phép giãn tiến độ di dời để các hộ có thời gian tìm địa điểm, xây dựng nhà xưởng mới, thời hạn là hết năm 2018 (đúng với thời hạn thuê đất của 2 hộ nêu trên là tới hết ngày 31/12/2018).
Văn bản của Sở Công Thương cũng cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với huyện Sóc Sơn trong việc giới thiệu địa điểm phù hợp tại các cụm công nghiệp tập trung để 2 hộ nêu trên di dời. Trước ý kiến của Sở Công Thương, tháng 5/2017, UBND huyện Sóc Sơn đã có Văn bản số 689/UBND-TTXD gửi UBND TP Hà Nội xin ý kiến về việc xử lý đối với 2 cơ sở sản xuất tái chế phế liệu trên địa bàn xã Đông Xuân.
Như vậy có thể thấy, trong khi UBND huyện Sóc Sơn muốn xử lý dứt điểm 9 xưởng tái chế gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất của người dân thì Sở Công Thương lại gần như không quan tâm tới những nguy cơ trên khi kiến nghị cho phép khu xưởng tiếp tục hoạt động đến hết năm 2018. Khi việc xử lý dứt điểm, đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất là những người dân đang ngày ngày phải sống chung cùng khói bụi, cũng như trông vào những diện tích đất canh tác nông nghiệp đang bị suy giảm năng suất.