70 năm giải phóng Thủ đô

Y án 19 năm tù với chủ Thẩm mỹ viện Cát Tường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (11/9), TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường gây chấn động dư luận hồi tháng 10/2013.

Sau phiên xử sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường (42 tuổi, nguyên Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường) đã có đơn kháng cáo. Tường cho rằng bản cáo trạng của Viện kiểm sát có nhiều nội dung không đúng, việc xét xử là chưa thỏa đáng khiến cho bị cáo tội chồng thêm tội, bản án đối với bị cáo quá nặng…

Tại phiên tòa, Tường không kháng cáo kêu oan mà xin xem xét giảm nhẹ hình phạt. Còn bà Nguyễn Thị Hằng (vợ Tường) cũng có đơn kháng cáo liên quan đến chiếc ô tô mà Tường chở nạn nhân đi vứt xác. Chiếc ô tô này được cấp sơ thẩm xác định là vật chứng của vụ án nên đã kê biên, tịch thu.

 
Hai bị cáo Nguyễn Mạnh Tường (bên trái) và Đào Quang Khánh tại phiên phúc thẩm.
Hai bị cáo Nguyễn Mạnh Tường (bên trái) và Đào Quang Khánh tại phiên phúc thẩm.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 10/2014, TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Mạnh Tường 19 năm tù về hai tội danh “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Bản án sơ thẩm nhận định các hành vi vi phạm trong quy trình khám bệnh, chữa bệnh, pha chế thuốc của Nguyễn Mạnh Tường đã dẫn đến hậu quả là một người chết. Sau khi sự việc xảy ra, Tường đã có hành vi mang xác nạn nhân vứt xuống sông.

Hành vi của bị cáo Tường không những gây thiệt hại về tính mạng của công dân, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, gây phẫn nộ trong dư luận mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người thầy thuốc và uy tín của ngành y. Hành vi này còn gây tổn thất to lớn về tinh thần cho gia đình nạn nhân, gây thiệt hại về công sức, tiền của của gia đình nạn nhân cũng như của các cơ quan nhà nước trong quá trình tìm kiếm thi thể người bị hại.

Bị cáo thứ 2 trong vụ án là Đào Quang Khánh (20 tuổi, bảo vệ Thẩm mỹ viện Cát Tường) bị tuyên phạt 33 tháng tù về hai tội “Trộm cắp tài sản” và “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”. Khánh được xác định là có vai trò giúp sức có mức độ; hành vi trộm cắp tài sản thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, giá trị tài sản chiếm đoạt không lớn, đã được thu hồi. Khánh phạm tội khi chưa thành niên nên nhận thức còn hạn chế, được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Về trách nhiệm dân sự, tòa yêu cầu Nguyễn Mạnh Tường bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền 585 triệu đồng và phải cấp dưỡng nuôi hai con của chị Lê Thị Thanh Huyền (nạn nhân trong vụ án) mỗi cháu 1 triệu đồng/tháng/cháu cho đến khi đủ 18 tuổi.

Trước đó, ngày 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đến Thẩm mỹ viện Cát Tường để tiến hành phẫu thuật nâng ngực. Tại đây, bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường đã hút mỡ bụng rồi tiêm mỡ vào dưới ngực để nâng ngực cho chị Huyền dẫn đến hậu quả chị Huyền bị chết vào chiều cùng ngày. Đến khoảng 23 giờ 30 cùng ngày, Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh đã đưa xác chị Huyền ra ô tô của Tường và mang lên cầu Thanh Trì vứt xuống sông Hồng.

Gần 1 năm sau, ngày 18/7/2014, người dân phát hiện tại thôn Trung Quang (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội) có một thi thể nổi lên trong tình trạng đang phân hủy. Cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm tử thi và xác định đó là thi thể của nạn nhân Huyền.

Theo công tố viên tại phiên phúc thẩm, cấp sơ thẩm quy kết Nguyễn Mạnh Tường hai tội danh là đúng người đúng tội. Mức án 19 năm tù cho hai tội danh của bị cáo Tường là phù hợp vì vậy Viện kiểm sát đã đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đối với kháng cáo xin ½ chiếc ô tô mà Tường dùng chở chị Huyền đi phi tang xác, Viện Kiểm sát cho rằng, cấp sơ thẩm xác định đây là chiếc xe phạm tội nên cần truy thu và bổ sung công quỹ là phù hợp. Viện kiểm sát đề nghị bác kháng cáo của bà Nguyễn Thị Hằng.

Sau khi cho bị cáo Tường nói lời sau cùng, HĐXX đã vào nghị án.

Theo phán quyết của cấp phúc thẩm, Thẩm mỹ viện Cát Tường không có giấy phép hoạt động. Là viên chức thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Tường đứng ra làm Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường là trái pháp luật. HĐXX phúc thẩm cũng xác định, cơ sở Thẩm mỹ viện Cát Tường hút mỡ bụng, nâng ngực là vi phạm quy định khám chữa bệnh như tòa cấp sơ thẩm quy kết là đúng người, đúng tội, không oan. Hành vi của bị cáo Tường đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng vì đã tổ chức khám chữa bệnh trái phép khiến chị Huyền tử vong.

Xét kháng cáo giảm nhẹ hình phạt, HĐXX cấp phúc thẩm nhìn nhận, bị cáo Tường có nhân thân tốt, vợ của bị cáo đã bồi thường một phần cho bị hại. Mặc dù tại tòa phúc thẩm bị cáo thành khẩn khai nhận, gia đình tiếp tục bồi thường nhưng HĐXX xác định không có căn cứ để xem xét giảm án cho bị cáo. Đối với kháng cáo của bà Nguyễn Thị Hằng về ½ chiếc ô tô, HĐXX khẳng định, đây là phương tiện dùng vào việc phạm tội. Tòa sơ thẩm phán quyết việc tịch thu ô tô để suy công quỹ nhà nước là có căn cứ.

Vì vậy, HĐXX quyết định bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Theo đó, Nguyễn Mạnh Tường phải nhận mức án 19 năm tù giam cho hai tội và bị cấm hành nghề 5 năm. Chiếc xe ô tô chở xác chị Huyền bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước.