Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Y án 30 năm tù đối với Nguyễn Đức Kiên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 15/12, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm đã ra phán quyết về kháng cáo của các bị cáo. Theo đó, HĐXX tuyên y án 30 năm tù đối với bị cáo Kiên.

Y án 30 năm tù đối với Nguyễn Đức Kiên - Ảnh 1
Đối với tội danh "Kinh doanh trái phép", HĐXX khẳng định, hành vi phạm tội của bị cáo Kiên có liên quan đến Công ty Thiên Nam, Công ty Á Châu, ACB Hà Nội, Công ty Á Châu Hà Nội, Công ty B&B. Việc thành lập các công ty nói trên là hợp pháp, có đăng ký kinh doanh, song các công ty này không có nội dung kinh doanh ủy thác đầu tư tài chính, buôn bán chứng khoán thay mặt người khác, hoạt động tài chính khác. Qua phân tích các luận cứ, Tòa phúc thẩm cho rằng, mức án phạt ở Tòa sơ thẩm là xác đáng đối với hành vi kinh doanh trái phép của bị cáo Kiên.
Về tội trốn thuế, Tòa phúc thẩm cho rằng, có đủ cơ sở xác định Công ty B&B do bị cáo Kiên làm đại diện đã dùng các tài liệu chứng từ không hợp pháp, làm sai lệch số thuế DN phải nộp. Bị cáo Kiên đã có hành vi trốn thuế DN phải nộp.

Đánh giá về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo Kiên, Nguyễn Thị Hải Yến, Trần Ngọc Thanh, Tòa phúc thẩm cho rằng, đây là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, trong đó bị cáo Kiên giữ vai trò chủ chốt.

Về hành vi Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng, ông Đặng Bảo Vĩnh - Chủ tọa phiên tòa nhận định: Đối chiếu với các quy định của pháp luật, ngân hàng thương mại không có chức năng gửi tiền vào tổ chức tín dụng khác, nên việc ACB ủy thác cho các cá nhân đem tiền gửi vào ngân hàng khác là vi phạm pháp luật. Mọi hoạt động giao dịch phát sinh từ việc thực hiện nghị quyết của thường trực Ngân hàng ACB đều trái pháp luật. Tư cách của bị cáo Kiên và đồng phạm đã được xác định trong điều lệ ACB nên các bị cáo là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc ACB dùng 718 tỷ đồng đem đi gửi làm thay đổi sự lưu thông bình thường của dòng tiền, gây ảnh hưởng đến người gửi tiền, ảnh hưởng đến quản lý kinh tế của Nhà nước và làm méo mó hình ảnh của DN làm ăn chân chính.

Trên quan điểm như vậy, HĐXX quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của Công ty Thiên Nam; chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Lê Vũ Kỳ, một phần kháng cáo của Công ty B&B; không chấp nhận kháng cáo về hình phạt của các bị cáo; tuyên bố bị cáo Kiên phạm các tội kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; các bị cáo Lý Xuân Hải, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn phạm tội cố ý làm trái.

HĐXX tuyên bị cáo Kiên
20 tháng tù về tội kinh doanh trái phép; 6 năm 6 tháng tù tội trốn thuế, hình phạt bổ sung là phạt tiền hơn 75 tỉ đồng; 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phạt tiền 100 triệu đồng; 18 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt chung 30 năm tù và phải nộp phạt hơn 75 tỷ đồng. Hình phạt bổ sung là cấm đảm nhiệm các chức vụ liên quan đến hoạt động ngân hàng trong thời hạn 5 năm sau khi mãn hạn tù. Nhóm bị cáo phạm tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng gồm: Lý Xuân Hải bị tuyên 8 năm tù (y án), Lê Vũ Kỳ: 4 năm tù (sơ thẩm là 5 năm), Trịnh Kim Quang: 4 năm tù (y án), Phạm Trung Cang: 3 năm (y án), Huỳnh Quang Tuấn: 2 năm (y án).