Trung Quốc lại sử dụng giàn khoan để tiếp tục thực hiện ý đồ tranh chấp chủ quyền vốn được Trung Quốc thúc đẩy thực hiện từ năm ngoái. Gần đây nhất, Trung Quốc cho máy bay nhỏ và máy bay lớn thử nghiệm hạ cánh xuống đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã dựng nên bất chấp luật pháp quốc tế bởi nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Đây là bước đi mới nhất trong chiến lược nhất quán của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông nói chung và đối với việc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á nói riêng. Nội dung cốt lõi của chiến lược ấy là bất chấp luật pháp quốc tế và tạo sự đã rồi. Phương châm hành động của Trung Quốc là lấn dần trên thực địa và phân rẽ các đối tác bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và bị ảnh hưởng lợi ích bởi hành động tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Mục đích của Trung Quốc là hiện thực hoá tham vọng chủ quyền lãnh thổ hiện trong cái gọi là Đường 9 khúc hay Đường lưỡi bò không chỉ vươn rất xa xuống phía Nam mà còn rất sâu vào phạm vi lãnh thổ, lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia liên quan.
Thời gian trước, Trung Quốc đã đánh chiếm và hiện đang chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Năm ngoái, Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và đồng thời vừa tôn tạo những đảo của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép, vừa xây dựng đảo nhân tạo ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại những nơi đó, Trung Quốc đã tăng cường xây dựng nhiều công trình kiên cố và tăng cường vũ trang. Trung Quốc đã không ít lần xa gần đề cập đến việc kiểm soát không phận trên và phạm vi 12 hải lý xung quanh các đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mập mờ đánh lận con đen giữa những đảo và khu vực biển này với lãnh thổ của Trung Quốc. Một số quốc gia ở trong cũng như ngoài khu vực đã lật tẩy dã tâm đen tối của Trung Quốc ở khu vực này không chỉ bằng những ngôn từ phản đối mạnh mẽ mà còn bằng cả nhiều hành động cụ thể.
Cả những hành động gần đây nhất nói trên của Trung Quốc cũng vừa thể hiện vừa là bằng chứng về ý đồ nguy hiểm của Trung Quốc. Máy bay của Trung Quốc trước khi hạ cánh xuống những đảo này phải bay qua không phận hoặc không lưu thuộc quyền kiểm soát của nước khác. Các nước trên nguyên tắc sẽ xem xét việc cho phép máy bay dân sự của nước khác bay qua không phận và vùng kiểm soát không lưu của mình. Nhưng không thể loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ viện dẫn sự cho phép ấy để ngụy biện rằng chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc được gián tiếp công nhận. Đồng thời, một khi đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng trái phép trở thành sân bay nổi cho Trung Quốc giữa đại dương và lại còn giữa lãnh thổ và vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác thì rõ ràng toàn bộ thế cục địa chiến lược ở khu vực ấy đã bị Trung Quốc làm cho thay đổi vô cùng bất lợi đối với các đối tác khác. Hậu quả và hệ lụy trước mắt cũng như về lâu dài của việc Trung Quốc tiếp tục thực hiện ý đồ nói trên là rất nguy hiểm đối với an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực Biển Đông.
Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa máy bay trái phép ra bãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
|