Đóng góp chính đẩy chỉ số giá tiêu dùng tháng này tăng lên đến từ giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình, giá thịt lợn tăng do nguồn cung giảm.
Tuy nhiên, mức tăng trong tháng 8 vẫn là thấp nhất trong các tháng 8 của 3 năm gần đây (CPI tháng 8/2017 tăng 0,92%; tháng 8/2018 tăng 0,45%).
Trong mức tăng 0,28% của CPI tháng 8/2019 so với tháng trước có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. Trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 2,81% (dịch vụ y tế tăng 3,64%), làm CPI chung tăng 0,14%. Nhóm giáo dục tăng 0,57% (dịch vụ giáo dục tăng 0,54%) do một số địa phương thực hiện tăng học phí năm học mới 2019-2020.
Bên cạnh đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,33%, chủ yếu do nhóm nhà ở thuê tăng 0,43%; chỉ số giá điện tăng 0,33%; chỉ số giá nước tăng 0,28%.
Đáng chú ý, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,24%, trong đó nhóm lương thực tăng 0,31%; thực phẩm tăng 0,29% (do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung thịt lợn giảm, làm giá thịt lợn tăng 0,89% so với tháng trước, tác động CPI chung tăng 0,04%, đồng thời làm giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn tăng: giá thịt quay, giò chả tăng 0,36%; giá thịt hộp, chế biến khác tăng 0,01%)...
Ba nhóm có chỉ số giá giảm là: giao thông giảm 0,46% (do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 1/8/2019 và 16/8/2019 làm giá xăng, dầu giảm 1,06%, tác động CPI chung giảm 0,04%); văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06%; bưu chính viễn thông giảm 0,05%.
Với diễn biến trên, CPI bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2018 - là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây (CPI 8 tháng năm 2017 tăng 3,84%; 8 tháng năm 2018 tăng 3,52%). CPI tháng 8/2019 tăng 1,87% so với tháng 12/2018 và tăng 2,26% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 8/2019 chỉ tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,95% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 1,9% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.