Ngày 24/8, báo điện tử Sức khỏe và Đời sống đăng bài “Dối trá trong đào tạo cao đẳng y – dược”, kèm theo video clip phản ánh trường CĐ Lê Quý Đôn cấp bằng tốt nghiệp không cần qua đào tạo.
Ngày 25/8, Tổng cục GDNN, Bộ LĐTB&XH đã có 3 công văn hỏa tốc gửi tới Hiệu trưởng 3 trường CĐ yêu cầu báo cáo và khẳng định Phản ánh của báo Điện tử Sức khỏe và Đời sống ngày 24/8/2022 liên quan đến trường đúng hay sai.
Tổng cục GDNN yêu cầu Hiệu trưởng trường CĐ Lê Quý Đôn (đóng tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) yêu cầu báo cáo và khẳng định: Có việc học viên của trường CĐ Dược Hà Nội sau 8 tháng tốt nghiệp được nhận bảng điểm toàn khóa, giấy chứng nhận tốt nghiệp của Hiệu trưởng trường CĐ Lê Quý Đôn và chờ thêm 5 tháng, nhận bằng tốt nghiệp CĐ, danh hiệu Cử nhân thực hành, hình thức đào tạo chính quy do Hiệu trưởng trường CĐ Lê Quý Đôn cấp hay không.
Hiệu trưởng trường CĐ Lê Quý Đôn báo cáo có việc học viên đăng ký học và nộp học phí cho trường CĐ Dược Hà Nội, sau đó nộp thêm học phí để dự thi tốt nghiệp sớm do trường CĐ Y tế Phú Thọ tổ chức và cuối cùng lại nhận được bằng của trường CĐ Lê Quý Đôn không?
Tổng cục GDNN yêu cầu Hiệu trưởng trường CĐ Y tế Phú Thọ (đóng tại Thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) báo cáo báo cáo và khẳng định: Phản ánh của báo Điện tử Sức khỏe và Đời sống ngày 24/8/2022 liên quan đến trường đúng hay sai. Có việc sau khi học viên đóng tiền xong cho trường CĐ Dược Hà Nội thì nhận được thông báo có tên trong danh sách học viên đã trải qua toàn bộ khóa học và đủ điều kiện dự kỳ thi tốt nghiệp của trường CĐ Y tế Phú Thọ tổ chức, địa điểm thi tại Viện Y học dự phòng Quân đội (Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) không.
Hiệu trưởng trường CĐ Y tế Phú Thọ báo cáo có việc học viên đi công tác xin thi sau, giáo viên chủ nhiệm tên H.T và một số cán bộ tuyển dụng trả lời “Có thể nhờ người khác đi thi hộ” không; có việc học viên khi vào phòng thi mà không có bất kỳ giấy tờ nào của học viên nhưng không bị kiểm tra không; có việc học viên không tham gia quá trình đào tạo, nộp đầy đủ học phí và đến thi tốt nghiệp để lấy bằng không.
Đồng thời, Hiệu trưởng trường CĐ Y tế Phú Thọ báo cáo có việc khi thi tốt nghiệp, giám thị của trường đọc đáp án cho thí sinh ở dưới khoanh; có việc cả ngày thi chép khoảng chục môn (tùy theo lớp văn bằng 2 hoặc lớp liên thông); thời gian trung bình để làm một bài thi chỉ khoảng 25 đến 40 phút, kết thúc khoảng chục môn thi tốt nghiệp chỉ vẻn vẹn trong một ngày không? Có việc học viên đăng ký học và nộp học phí cho trường CĐ Dược Hà Nội sau đó nộp thêm học phí để dự thi tốt nghiệp sớm do trường CĐ Y tế Phú Thọ tổ chức hay không.
Tổng cục GDNN đề nghị Hiệu trưởng trường CĐ Dược Hà Nội (trụ sở chính tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) báo cáo việc trường có “có chế giúp học viên bận công việc không có thời gian học thì không cần phải đi học buổi nào trong suốt quá trình đào tạo” không; Có việc sau khi nộp 14.000.000 đồng cho trường và chỉ cần cuối kỳ đến lấy đề thi, đáp án kết thúc các môn về chép, nộp lại không.
Hiệu trưởng trường CĐ Dược Hà Nội báo cáo việc có hình thức không cần học, nếu muốn lấy bằng sớm sẽ chuyển hồ sơ sang trường khác chuẩn bị thi tốt nghiệp tuy nhiên sẽ phải bổ sung thêm 28.000.000 đồng tiền học phí cho trường không; có việc học viên sau khi đóng tiền xong cho trường CĐ Dược Hà Nội thì nhận được thông báo có tên trong danh sách học viên đã trải qua toàn bộ khóa học và đủ điều kiện dự kỳ thi tốt nghiệp của trường CĐ Y tế Phú Thọ tổ chức, địa điểm thi tại Viện Y học dự phòng Quân đội không?
Hiệu trưởng trường CĐ Dược Hà Nội cũng phải trả lời có việc học viên của trường sau 8 tháng tốt nghiệp nhận được bảng điểm toàn khóa, giấy chứng nhận tốt nghiệp của Hiệu trưởng trường CĐ Lê Quý Đôn và chờ thêm 5 tháng, nhận được bằng tốt nghiệp CĐ, danh hiệu cử nhân thực hành, hình thức đào tạo chính quy do Hiệu trưởng trường CĐ Lê Quý Đôn cấp hay không?
Tổng cục GDNN yêu cầu Hiệu trưởng 3 báo cáo quy trình tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp văn bằng tốt nghiệp của nhà trường và gửi báo cáo về nội dung phản ánh của báo điện tử Sức khỏe và Đời sống, về Tổng cục trong ngày 26/8/2022.
Trước đó, ngày 24/8 báo điện tử Sức khỏe và Đời sống đăng bài “Dối trá trong đào tạo cao đẳng y – dược”. Bài báo phản ánh việc có “cơ chế” giúp học viên không cần phải học buổi nào trong suốt quá trình đào tạo, cuối học kỳ, học viên đến lấy đề thi và đáp án về chép, có thể nhờ người khác thi hộ, xe ôm thi hộ tốt nghiệp không có bất kỳ giấy tờ nào của học viên nhưng không bị kiểm tra mà vào thẳng phòng thi, cán bộ đưa tài liệu cho thí sinh chép; thi gần 10 môn trong cùng 1 ngày do được phát đáp án để chép. Thậm chí với môn trắc nghiệm Tin học ứng dụng, giám thị còn đọc đáp án cho thí sinh làm bài,… đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.