Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Yêu thêm món ăn của người Hà Nội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những lần nghỉ lễ, tôi thường có cơ hội để biết thêm tài bếp núc của mẹ tôi, một người phụ nữ Hà thành.

KTĐT - Những lần nghỉ lễ, tôi thường có cơ hội để biết thêm tài bếp núc của mẹ tôi, một người phụ nữ Hà thành.

Tôi cũng được biết đến cái tinh tế trong ẩm thực qua những bữa ăn của từng gia đình Hà Nội. Tôi đã được mẹ dạy làm món vịt om sấu, món ăn đặc trưng của người Hà Nội, nhất là vào những ngày hè oi bức. Tôi cũng đã biết làm món phở cổ truyền, món bánh tôm, món chả cá... Một lần mẹ hỏi :" Con có biết người Hà Nội coi món gì là đặc sản của đất lề?". Tôi lắc đầu. Mẹ bảo: "Đó chính là bún thang".


Mẹ bảo, bún thang không xuất hiện trong ngày thường, không dành cho ai vội vàng hay háu đói, đấy là món cầu kỳ, kỹ càng, công phu và một dịp nào đó long trọng mới có mặt như tiếng đàn trong ngày vui. Tôi cũng biết được, để làm một bữa bún thang quả là tốn thì giờ. Đầu tiên phải có nồi nước dùng ngọt từ chất đạm chứ không phải từ đường, từ mỳ chính. Trứng tráng thật mỏng, thái nhỏ như sợi chỉ vàng. Giò lụa trắng mềm thoáng chút màu hồng cũng thái chỉ như thế. Thịt gà nạc, miếng đùi nâu, miếng lườn trắng, miếng da vàng, không thái mà xé nhỏ tạo thành một hỗn hợp màu sắc. Ruốc tôm tơi như bông. Thêm ít củ cải khô đã ngâm tẩm kỹ, có chua, có cay, có giòn, có hương vị lạ và vài cái nấm hương... Mỗi loại được đặt vào một góc trên mặt bát, thứ nào ra thứ ấy. Phía trên cùng trang trí rau mùi, hành lá cho thêm màu xanh. Và thêm cả mắm tôm, một chút hương cà cuống chobát bún thang thêm hấp dẫn người ăn.


Bây giờ, người Hà Nội cũng không khó khăn gì để tìm được quán bún thang, từ chợ Đồng Xuân, đến các phố ẩm thực, nhưng thực sự đểcó được món bún thang đúng như người Hà Nội xưa từng có thì lại quá hiếm. Bởi thế, những người nội trợ Hà thành vẫn chọn dịp lễ, Tết làm bữa bún thang. Thong thả, chọn lựa, họp mặt đông đủ, thân tình gắn bó..., món ăn khi ấy như một sự đoàn viên mỹ mãn.