Cà Mau:

Chỉ số cải cách hành chính đứng thứ ba khu vực đồng bằng sông Cửu Long

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau nhiều năm tích cực chuyển đổi, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo, chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) năm 2023 của tỉnh Cà Mau đã đứng vị trí 32, thuộc top 3 ở khu vực ĐBSCL.

Chỉ số CCHC và tăng trưởng kinh tế Cà Mau năm 2023 đều đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL (Hoàng Nam)
Chỉ số CCHC và tăng trưởng kinh tế Cà Mau năm 2023 đều đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL (Hoàng Nam)

Theo kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2023 vừa được Bộ Nội vụ công bố, tỉnh Cà Mau đứng ở vị trí 32, đạt 86,89 điểm, thuộc vào nhóm khá.

 So với khu vực ĐBSCL, Cà Mau xếp ở vị trí thứ 3, chỉ sau Long An (hạng 7) và Hậu Giang (hạng 19) trên bảng bảng xếp hạng. Nhóm rất thấp ở khu vực này gồm các tỉnh: Bạc Liêu đứng hạng 59, Sóc Trăng áp chót với vị trí 62 và cuối bảng là An Giang với vị trí 63.

Kết quả đạt được của Cà Mau có được nhờ sự đồng lòng của các cấp chính quyền, trong đó vai trò nồng cốt của UBND tỉnh trong chỉ đạo thường xuyên, kiên quyết trong công tác CCHC. Theo đó đã tập trung vào các vấn đề người dân quan tâm như: giải quyết hồ sơ trực tuyến; thanh toán trực tuyến; số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh. Từ đó đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, tạo nên sự hài lòng của người dân ngày càng tăng.

Năm 2023, kinh tế Cà Mau tiếp tục tăng trưởng nhanh, đứng thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thứ 16 cả nước. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt 45.471 tỷ đồng, tăng 7,83% so cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra (7%). Chất lượng tăng trưởng được đánh giá cao với GRDP bình quân đầu người đạt gần 70 triệu đồng, tăng 13% so cùng kỳ; tốc độ tăng năng suất lao động đạt 6,5%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so cùng kỳ.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, Chỉ số CCHC của các tỉnh, thành phố đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng tích cực, giá trị trung bình năm 2023 đạt 86.98%, cao hơn 2.19% so với năm 2022; đây là lần thứ 5 liên tiếp có Chỉ số CCHC của các địa phương đạt giá trị trung bình trên 80%.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong lịch sử đánh giá từ năm 2012 đến nay, năm 2023 là năm đầu tiên cả 63 tỉnh, thành phố đều đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%. Cùng với đó, 32/63 địa phương đạt kết quả Chỉ số CCHC cao hơn mức trung bình của cả nước; 57/63 tỉnh, thành phố có Chỉ số CCHC tăng trưởng cao hơn so với năm 2022, với tỉnh tăng cao nhất là 9.39%, tăng thấp nhất là 0.03%.

Phát huy lợi thế tiềm năng, cùng với sự quyết tâm trong CCHC, lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu và thước đo kết quả thực hiện, Cà Mau tiếp tục phát triển theo hướng ổn định và bền vững, quyết tâm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực ĐBSCL.