100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống mỹ Donald Trump - Bài 2: Nước Mỹ trước thách thức của toàn cầu hóa

TS Hồ Văn Chiểu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi nước Mỹ bước vào cuộc bầu cử năm 2016, thế giới đã trải qua gần 50 năm tiến trình toàn cầu hóa.

Tiến trình này được dẫn dắt bởi lý thuyết của Chủ nghĩa tự do mới do nhóm tinh hoa Âu Mỹ sáng lập và được quản trị bằng sự kết hợp giữa giới tài phiệt và chính quyền Mỹ.
Vị trí của nước Mỹ đứng trước nhiều nguy cơ
Cần phải thừa nhận rằng, chủ nghĩa tự do mới cũng đã đem lại những thành quả to lớn cho nhân loại: Sau 40 năm, của cải của thế giới tăng lên 4 lần, nhiều quốc gia trên thế giới đã công nghiệp hóa thành công. Một số nước trong đó đã phát triển mạnh đến mức đe dọa soán ngối của những nước phát triển: Trung Quôc vươn lên thành nền kinh tế thứ 2 thế giới, Ấn Độ vượt qua nước Anh, trở thành nền kinh tế thứ 5 thế giới. Trong khi đó, các nước phát triển lại chuyển dần thành những quốc gia phi công nghiệp hóa. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự phát triển không đồng đều của các cuộc cách mạng công nghiệp. Trong khi cuộc các mạng công nghiệp lần thứ 3 lôi cuốn hơn 60% các quốc gia tham gia, thì có tới 83% quốc gia đứng ngoài cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 1 và 43% quốc gia dứng ngoài cuộc các mạng công nghiệp lần thứ 2. Tình trạng đó tạo ra sự bất đối xứng về lao động, tiền lương và vốn giữa hai bán cầu của thế giới. Tình hình đó tất yếu kích thích sự di chuyển vốn vào công nghệ sang các nước đang phát triển để thu lợi nhuận cao hơn do giá nhân công và nguyên liệu rẻ. Khai thác sự chuyển dịch này, giới chủ tư bản phương Tây đã thu được 70.000 tỷ USD, tính từ năm 1970 đến 2007. Trong khi đó, ở các nước phát triển, đặc biệt là Mỹ, nơi cung tiền cho toàn thế giới lại xảy ra tình trạng thừa vốn vì các công xưởng đã chuyển sang các nước đang phát triển, công nghiệp chế tạo cứ giảm dần, nhượng lại vị thế cho ngành dịch vụ tài chính.

Công nhân lắp ráp ô tô tại nhà máy của Tập đoàn General Motors, Mỹ.

Từ 1980 đến 2016, ngành chế tạo của Mỹ đã giảm từ 21% của GDP xuống còn 10%, nhưng tài chính (lĩnh vực đang phát triển lớn nhất và nhanh nhất trong nền kinh tế Mỹ) tăng tỉ trọng từ 14% lên 31%. Đây là một sự chuyển biến đáng kể, đặc biệt là khi chúng ta nhớ rằng tài chính giống như quảng cáo, vốn là ngành có nhiệm vụ phục vụ nền kinh tế, chứ không phải là bản thân nền kinh tế. Nhưng trong năm 2007, tài chính chiếm 47% lợi nhuận DN Mỹ.
Không chấp nhận để mất vai trò cường quốc số 1
Thực tế, những chuyển biến trên đã làm mất dần địa vị lãnh đạo của Mỹ với tư cách là một nền kinh tế chế tạo đứng đầu thế giới. Với một nền kinh tế “sòng bạc”, được thao túng bởi các “phù thủy tài phiệt”, Mỹ lâm vào suy thoái nặng nề. Tổng số nợ công của Mỹ đã đạt con số 17.028 tỷ USD (trên thực tế là 250.000 tỷ USD),  trong đó 25% là nợ nước ngoài. Thâm hụt thương mại lên tới 700 tỷ USD mỗi năm. Đến năm 2016, kinh tế Mỹ chỉ còn chiếm  18% GDP toàn cầu, so với 31%  của năm 2000. Thế giới bắt đầu diễn ra quá trình thay đổi tương quan lực lượng giữa các quốc gia và quan hệ quốc tế.  Hậu quả của quá trình đó tác động mạnh mẽ đến các nước châu Âu. Xu hướng đòi  xóa bỏ địa vị lãnh đạo của Mỹ ngày càng sôi động. Cuộc khủng hoảng  tài chính tính cơ cấu càng tác động mạnh mẽ đến cục diện  thế giới, làm suy yếu tương đối  sức mạnh của Mỹ. Nền kinh tế của Mỹ trở thành nền kinh tế sòng bạc. Giới tài phiệt Mỹ quản trị nền kinh tế sòng bạc này đã thao túng tiền tệ, gây ra các cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực và toàn cầu từ những năm 70 của thế kỷ trước đến nay. Cuộc khủng hoảng tài chính 2007- 2008 đã phá hủy hơn 60.000 tỷ USD, nhưng riêng ở Mỹ đã cướp được của dân 11.000 tỷ USD do bị tịch thu tài sản thế chấp. Nếu tính cả 20.000 tỷ USD do nhà nước và FED giải cứu ngân hàng, thì số tiền mà giới tài phiệt được hương lợi lên tới 30.000 tỷ USD. Nếu số tiền đó cộng với số tiền lãi khổng lồ từ việc FED phát hành khống USD để cho vay thì nước Mỹ vô cùng giàu có. Thế nhưng khối lượng tiền tệ đó lại không thuộc về Nhà nước Mỹ, mà là tài sản của giới tài phiệt, chủ yếu cất giữ ở nước ngoài. Do đó, nước Mỹ giàu mà không mạnh. Theo Ông Trump, nước Mỹ đang bị cướp đoạt của cải, việc làm và trí tuệ từ bên ngoài. Thất nghiệp có lúc lên tới hơn 10% (tức khoảng 15 triệu người). Địa vị đứng đầu thế giới bị Trung Quốc đe dọa soán ngôi. Việc Bắc Kinh mở rộng quan hệ với ASEAN nói riêng và châu Á nói chung là một phần của chiến lược nhằm mục đích thực hiện nhiều mục tiêu: Giảm thiểu những rủi ro mà hành vi bá quyền của Mỹ gây ra thông qua việc can dự và điều chỉnh ưu thế của Mỹ; Đa dạng các lựa chọn chiến lược so với Mỹ và duy trì và mở rộng sự tự do hành động của Trung Quốc; cũng như thách thức các ưu tiên của Mỹ thông qua việc can dự và thuyết phục (cả hòa bình lẫn đe dọa vũ lực). Trung Quốc đã từng bước đẩy lui Mỹ khỏi thị trường  châu Á. Việc đánh mất thị trường châu Á đã tác động mạnh mẽ đến sự suy yếu của Mỹ, sự phát triển của các nước Thái Bình Dương. Điều đó đã làm thay đổi nhận thức của Mỹ.
Trong tình hình đó, ông Trump xuất hiện như một người có sứ mệnh khôi phục sức mạnh của nướ Mỹ. Dù là một người mạnh mẽ, tư duy sắc bén, kinh nghiệm thực tiẽn phong phú, chiến lược của ông lại hướng tới chu kỳ của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, một thiết chế đã bị lịch sử bỏ qua cách đây 40 năm. Vì vậy, nhiều lắm thì người ta cũng chỉ hy vọng ông vực dậy nèn kinh tế Mỹ trong ngắn hạn và để lại dấu ấn trong khúc quanh của lịch sử.
(còn nữa)