1.000 cơ sở y tế tham gia khám chữa bệnh từ xa

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự kiến đầu tháng 9, 1.000 cơ sở khám chữa bệnh sẽ tham gia vào kết nối khám chữa bệnh từ xa.

Ngày 5/8, Cục quản lý Khám, chữa bệnh phối hợp với Tập đoàn Vietel tổ chức Hội thảo góp ý kế hoạch triển khai Đề án Khám, chữa bệnh từ xa.
 PGS.TS Lương Ngọc Khuê-Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh phát biểu tại hội thảo.

Trước đó, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã phê duyệt Đề án Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025 theo Quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/220 với mục tiêu: Mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sỹ từ tuyến xã đến tuyến T.Ư. Người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Các cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, khám, chữa bệnh từ xa không phải là việc xa lạ đối với các cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, đặc biệt phải đẩy mạnh trong giai đoạn này, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, xuất hiện tại nhiều tỉnh, thành.

“Bệnh nhân bình thường nếu bị cúm đã mệt, mắc bệnh Covid-19 còn mệt hơn rất nhiều, đặc biệt là rất khó khăn đối với người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc các bệnh lý nặng đi kèm”- PGS Khuê nhấn mạnh.

Hiện Việt Nam có gần 100 triệu dân trong đó khoảng 10 triệu người là người cao tuổi. Trong giai đoạn này, phải tăng cường tư vấn cho đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, người mắc các bệnh mạn tính, thực hiện kê đơn thuốc kéo dài… để hạn chế người dân đến các bệnh viện, tránh các nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện.

Cả nước hiện có có 40 bệnh viện tuyến T.Ư, 492 bệnh viện tuyến tỉnh, 645 BV tuyến huyện, 72 bệnh viện ngành, 275 bệnh viện tư nhân, 32.000 phòng khám tư nhân, 11.000 trạm y tế. Các bệnh viện tuyến T.Ư có đội ngũ giáo sư, chuyên gia nhiều kinh nghiệm cần phải phát huy trong giai đoạn này để hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới. Những kinh nghiệm điều trị rất quan trọng và đáng trân trọng. Các bệnh viện phải quyết tâm thực hiện để phòng ngừa cho bệnh viện mình, không để tình trạng “chưa đánh đã vỡ trận”- PGS Khuê khẳng định.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, thời gian qua, Trung tâm quản lý và điều hành hỗ trợ trực tuyến chẩn đoán và điều trị Covid-19 đã huy động đội ngũ giáo sư giỏi hỗ trợ cho các bệnh viện điều trị Covid-19. Những kiến thức và kinh nghiệm điều trị của các giáo sư đều được sự đồng thuận của các bệnh viện. Hiện nay nhiều bệnh viện đến hỗ trợ các bệnh viện của Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam… Do đó, các bệnh viện nhu cầu và khả năng đáp ứng để Cục quản lý Khám chữa bệnh điều phối nhân lực cho các cơ sở đảm bảo hiệu quả, tránh chồng chéo.

PGS Khuê nhấn mạnh: “Việt Nam đã ghi nhận gần 700 ca mắc Covid-19, nên các cơ sở khám, chữa bệnh cần quyết tâm triển khai thực hiện, những khó khăn về cơ chế tài chính, danh mục kỹ thuật, phạm vi chuyên môn… sẽ từng bước được tháo gỡ”.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất ý kiến phải sớm triển khai đồng loạt trong toàn hệ thống khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn bệnh viện trong phòng chống dịch Covid-19. Dự kiến đầu tháng 9, 1.000 cơ sở khám chữa bệnh sẽ tham gia vào kết nối khám chữa bệnh từ xa.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần