Bệnh viêm gan B diễn tiến âm thầm: nguy cơ tử vong cao nếu phát hiện muộn
Kinhtedothi - Hiện nay, nhiều bệnh nhân viêm gan B, phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn do chủ quan, không khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt là ở người trẻ tuổi, khi sức khỏe còn tốt, hầu như không có triệu chứng. Chuyên gia y tế cảnh báo, viêm gan B có diễn tiến âm thầm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra biến chứng nặng nề như xơ gan hoặc ung thư gan, thậm chí là tử vong.
Nhiều bệnh nhân phát hiện muộn, ở thể nặng
Mới đây, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân được chuyển tuyến trong tình trạng gan đã tiến triển nặng đến xơ gan và u gan. Đáng nói, cả hai trường hợp chỉ mới biết mình mắc viêm gan B cách đây từ 1 – 2 tháng. Họ đều không có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ vì nghĩ rằng bản thân vẫn khỏe mạnh, không có triệu chứng bất thường.
Chỉ khi xuất hiện một số dấu hiệu tình cờ, bất thường, họ mới đi khám, nhưng lúc đó bệnh đã ở giai đoạn muộn, khiến khả năng điều trị bằng thuốc gần như không còn hiệu quả, buộc phải can thiệp ngoại khoa.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư khám cho bệnh nhân điều trị viêm gan B. Ảnh: BVCC
Đơn cử, bà Đ.T.B (sinh năm 1964, ở Bắc Ninh) có tiền sử đái tháo đường 8 năm, đang điều trị bằng insulin 3 năm gần đây. Bà được chẩn đoán viêm gan B thể nặng sau khi phát hiện da có dấu hiệu vàng sậm bất thường. Dù vậy, bà B không tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ mà nghe người quen mách dùng thuốc nam từ lá cây an xoa. Tuy nhiên, bệnh không thuyên giảm. Gần đây, bà thấy mệt mỏi, bụng chướng căng, da và mắt vàng sậm nên được chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Tại đây, bà được chẩn đoán xơ gan mất bù, viêm gan B mạn tính và cổ chướng căng.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn – Phó Trưởng khoa Viêm gan, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, tình trạng của bà B đã tiến triển sang giai đoạn xơ gan mất bù, Child-pugh C, suy gan rất nặng (PT 21%, Bilirubin toàn phần >600 μmol/L) nguy cơ tử vong cao nếu không được ghép gan kịp thời.
Còn anh N.H.D (sinh năm 1981, trú tại Hải Phòng) phát hiện nhiễm viêm gan B, men gan và tải lượng virus cao gấp 5 lần so với người bình thường, kèm theo dấu hiệu ứ mật; một khối u gan kích thước 30 x 26mm trong một lần kiểm tra sức khỏe tổng quát. “Rất may khối u của anh D được phát hiện ở giai đoạn sớm và nằm tại vị trí thuận lợi, có thể can thiệp phẫu thuật với tiên lượng điều trị khá khả quan” – bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho hay.

Nhiều bệnh nhân viêm gan B được chuyển tuyến trong tình trạng gan tiến triển nặng đến xơ gan và u gan.
Trước đó, Trung tâm Hồi sức tích cực của BV cũng đã tiếp nhận bệnh nhân N.V.H (47 tuổi, quê Hưng Yên) trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và viêm phổi nặng. Bệnh nhân phát hiện mắc viêm gan B nhưng suốt 20 năm không điều trị. Do tình trạng quá nặng, chỉ sau chưa đầy một ngày nhập viện, gia đình đã xin cho bệnh nhân về.
Tương tự, bà B.T.N (54 tuổi, ở Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng phù toàn thân, vàng da đậm, thể trạng suy kiệt và suy gan tiến triển. Bà N phát hiện viêm gan B từ hơn 30 năm trước nhưng không điều trị, từng dùng thuốc nam. Sau một lần gãy xương, bà tự mua thuốc giảm đau sử dụng kéo dài 3 năm. Trước nhập viện, bệnh nhân có vàng da tăng dần, mệt mỏi, sốt cao liên tục 38 – 39°C, khó thở và yếu dần, không thể tự vận động.
Cần được theo dõi, quản lý chặt chẽ
Tại Viện Y học nhiệt đới, BV Bạch Mai, hàng ngày, nơi đây ghi nhận nhiều bệnh nhân đến khám, nhập viện nhưng không biết bị nhiễm virus viêm gan B, C vì đa số có triệu chứng âm thầm, kín đáo, khi đến BV đã có biến chứng xơ gan thậm chí ung thư gan.
Trong đó, có bệnh nhân N.V.K (64 tuổi, Ninh Bình) nhập viện với triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, vàng da. Trước đó, bệnh nhân phát hiện xơ gan, viêm gan mạn tính, điều trị thuốc kháng virus tại địa phương thấy có đỡ, sau tự bỏ thuốc. Trong thời gian điều trị tiểu đường, bệnh nhân phát hiện men gan tăng cao nên được chuyển đến Viện Y học nhiệt đới, BV Bạch Mai. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán viêm gan mạn tính, biến chứng xơ gan, suy gan.. tiên lượng bệnh rất khó khăn.

Tương tự, bệnh nhân N.P.N (47 tuổi, Lào Cai) phát hiện viêm gan B, điều trị thuốc kháng virus nhưng đã tự ý bỏ thuốc. Trước nhập viện, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, chán ăn, cảm giác đầy bụng, vàng da vàng mắt.. Tại Viện Y học nhiệt đới, BV Bạch Mai, bệnh nhân được chẩn đoán xơ gan, men gan cao, suy gan và có chỉ định lọc máu thậm chí bác sĩ tư vấn có chỉ định ghép gan tuy nhiên với chi phí điều trị rất cao để lại gánh nặng bệnh tật cho gia đình và xã hội.
PGS.TS Đỗ Duy Cường – Viện trưởng Viện Y học nhiệt đới, BV Bạch Mai cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 10 triệu người nhiễm virus viêm gan B và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C. Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh được phát hiện và quản lý còn rất khiêm tốn. Nếu không được kiểm soát tốt, nhiều người trong số đó sẽ tiến triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.
Mặc dù các bệnh nhân viêm gan hiện nay đều được phát hiện, quản lý và theo dõi định kỳ tại phòng khám chuyên khoa hoặc được uống thuốc theo chương trình bảo hiểm y tế nhưng một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc thấy đỡ nên đã tự ý bỏ thuốc dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy gan cấp, xơ gan mất bù, ung thư gan...

“Điều trị viêm gan B suốt đời, bệnh nhân cần được theo dõi, quản lý chặt chẽ. Nếu ngừng thuốc, bỏ thuốc, virus sẽ bùng lên dẫn tới suy gan cấp. Nhiều bệnh nhân đến Viện Y học nhiệt đới do bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị với các triệu chứng vàng da, vàng mắt, biểu hiện xơ gan, men gan cao và suy gan” - PGS. Đỗ Duy Cường cảnh báo.
Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn – Phó Trưởng khoa Viêm gan, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư khuyến cáo, viêm gan B là căn bệnh âm thầm nhưng hoàn toàn có thể kiểm soát, điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Người dân nên chủ động tầm soát viêm gan B ít nhất mỗi năm một lần, đặc biệt nếu trong gia đình có người từng mắc viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan. Ngay cả khi không có biểu hiện bất thường cũng không nên chủ quan. Vì bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu.

Với những người đã tiêm phòng vaccine viêm gan B, nên kiểm tra chỉ số kháng thể (anti-HBsAg) để đảm bảo cơ thể có đủ khả năng bảo vệ gan. Với người đã được chẩn đoán viêm gan B mạn tính, việc theo dõi định kỳ và tuân thủ điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa là yếu tố then chốt nhằm ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Các chuyên gia y tế cũng lưu ý, những sai lầm thường gặp của bệnh nhân viêm gan B là tự ý bỏ thuốc điều trị, nghe theo quảng cáo trên mạng và uống thuốc nam không rõ nguồn gốc… Hiện nay, thuốc điều trị viêm gan B và C đã được bảo hiểm y tế chi trả nên bệnh nhân không phải lo lắng nhiều về giá thành điều trị. Điều quan trọng là người dân phải nhận thức được mức độ nguy hiểm của viêm gan với sức khỏe, thực hiện theo khuyến cáo.
Trích dẫn
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 3 triệu ca mắc mới và 1 triệu ca tử vong mỗi năm do virus viêm gan B và C. Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% trường hợp viêm gan B được chẩn đoán, trong đó 22% được điều trị; tương tự 21% bệnh nhân viêm gan C được chẩn đoán, trong số đó chỉ 62% được điều trị. Trên toàn cầu chỉ có 42% trẻ em được tiêm liều vaccine viêm gan B sau sinh.

Dùng thuốc nam không rõ nguồn chữa viêm gan B, người đàn ông nguy kịch
Kinhtedothi - Một bệnh nhân viêm gan B đã tự ý bỏ thuốc điều trị và chuyển sang uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Hậu quả, bệnh nhân phải nhập viện trong tình trạng hôn mê, suy gan phải đặt ống thở máy, tiên lượng nặng.

Nguyên nhân trẻ tai biến sau tiêm vaccine viêm gan B do đâu?
Kinhtedothi - Ngày 11/9, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung thông tin, bé trai một ngày tuổi được lấy mẫu xét nghiệm sau khi được Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc chuyển đến ngày 10/9 do bất thường sau tiêm vaccine viêm gan B.

Thông tin mới vụ trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine viêm gan B
Kinhtedothi - Sau khi được tiêm vaccine viêm gan B, cặp song sinh tại Vĩnh Phúc bỗng xuất hiện tím tái, 1 bé tử vong, 1 bé đang cấp cứu tại Hà Nội. Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc vừa có thông tin ban đầu.