11 nước "cân não"với các kịch bản cứu TPP

Minh Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện thương mại 11 quốc gia thành viên đang xem xét sửa đổi các điều khoản của TPP để thảo luận việc cứu hiệp định thương mại đang bị đình trệ này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dẫn đầu phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị. 

Chủ trì hội nghị kéo dài đến 30/8, theo giờ địa phương, Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo cho biết, ông vẫn thường xuyên thảo luận với những người đồng cấp trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và nhận thấy đa số đều mong muốn thông qua thỏa thuận này tại Hội nghị thượng đỉnh APEC vào tháng 11 tới ở Việt Nam.
 Cuộc họp giữa 11 nước thành viên còn lại của TPP tại Australia.
Theo các chuyên gia, hiện vẫn còn 3 lựa chọn với TPP: Thứ nhất là vẫn thực thi TPP như cũ; thứ hai là ngừng thực thi các phần có liên quan đến Mỹ cho tới khi nước này đồng ý tham gia và thứ ba là đàm phán lại toàn bộ.
Trưởng đoàn đàm phán TPP Australia Justin Brown bày tỏ hy vọng rằng tất cả 11 quốc gia sẽ đạt được thỏa thuận cuối cùng để thỏa thuận thương mại khu vực Thái Bình Dương sẽ có hiệu lực. Mặc dù có một số trở ngại, đại diện thương mại Australia cam kết cùng với 10 quốc gia còn lại để làm cho thỏa thuận có hiệu quả vì lợi ích chung của các bên tham gia. Trong khi đó, người đứng đầu phái đoàn Nhật Bản Kazuyoshi Umemoto nói rằng 11 quốc gia cần thúc đẩy tình đoàn kết để TPP có thể sớm có hiệu lực.
Tại hội nghị, các nhà đàm phán sẽ thảo luận các biện pháp để sửa đổi tài liệu gốc của TPP phù hợp với bối cảnh mới. Trong các lĩnh vực đang được thảo luận, Việt Nam đã đề xuất khả năng điều chỉnh một số điều khoản trong vấn đề quyền của người lao động và các quy định về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực dược phẩm của bản hiệp ước ban đầu.
Việt Nam là một trong những quốc gia được cho là đạt được những lợi ích kinh tế lớn nhất từ ​​TPP thông qua việc tiếp cận thị trường Mỹ nhiều hơn. Theo các chuyên gia, đề xuất của Việt Nam có thể sẽ giành được sự ủng hộ rộng rãi từ các quan chức Nhật Bản và New Zealand. Ông Edgar Vasquez - Thứ trưởng Thương mại của Peru cho rằng, tất cả các nước đều sẵn sàng đánh giá những lựa chọn thay thế để TPP có thể tồn tại. 
Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý, một khi những thay đổi được chấp nhận, khả năng đưa Mỹ trở lại hiệp định thương mại này càng thấp. Shiro Armstrong, nhà nghiên cứu của Trường Kinh tế Crawford ở Canberra, Australia cho rằng, TPP càng có nhiều thay đổi so với văn bản ban đầu mà Washington đã chấp thuận, càng có ít khả năng Mỹ sẽ quay lại tham gia hiệp định. 

Một khi có hiệu lực, TPP sẽ liên kết 11 quốc gia, bao gồm 4/20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 9.800 tỷ USD và kéo theo 19 hiệp định thương mại tự do mới có hiệu lực. TPP đã được ký kết vào tháng 2/2016 bởi 12 quốc gia bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chilê, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi TPP ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1/2017.