13 điều cần chú ý khi phụ huynh cho trẻ đi bơi

Anh Đào (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bơi lội là hoạt động được trẻ yêu thích nhưng phụ huynh cần hết sức chú ý đến thể trạng của trẻ.

Nước bể bơi có những gì?

13 điều cần chú ý khi phụ huynh cho trẻ đi bơi - Ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet 

Bơi lội là một trong những bộ môn thể thao tốt cho sức khỏe. Không những thế, đây còn là một kỹ năng sống còn, bổ ích mà bất kỳ ai cũng nên biết. Do đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi bơi lội là hoạt động thể thao được ưa chuộng, đặc biệt là vào mùa hè.

Tuy nhiên, nước trong bể bơi có chứa thành phần khử khuẩn Clo và nước muối.

Clo là chất làm sạch bể bơi, đảm bảo bể bơi an toàn nhờ khả năng khử trùng (phá hủy bề mặt vi khuẩn và vi rút). Nếu không sử dụng Clo, các mầm bệnh, trong đó có nhiễm trùng da mãn tính sẽ phát triển mạnh trong nước bể bơi. 

3 bệnh thường gặp do nước bể bơi

PGS. Bác sĩ Nguyễn Thị Hoài An – Giám đốc Bệnh viện An Việt cho biết, mùa hè đi bơi là thói quen và cũng là môn thể thao nhiều người ưa thích. Tuy nhiên cần cảnh giác với thuốc sát khuẩn, hoá chất bể bơi gây ra nhiều bệnh lý từ viêm da, viêm mũi họng, viêm mắt.

Theo Bác sĩ Hoài An, có 3 nguyên nhân khiến nước bể bơi gây ra các bệnh về tai mũi họng:

Thứ nhất, hoá chất khử trùng gây kích ứng tai mũ họng rất nhiều dẫn tới trẻ nhỏ chảy mũi kéo dài, viêm xoang nặng. Có bé chảy mũi đặc 2,3 tháng kéo dài không khỏi được và nguyên nhân của những trường hợp này do hoá chất nhiều hơn là do nhiễm khuẩn.

Thứ 2, bệnh lý viêm kết mạc mắt, mắt là bộ phận rất quan trọng và cũng vô cùng nhạy cảm. Mắt có các bộ phận bên trong dễ tiếp xúc với môi trường, Ở bể bơi nước bể bơi có chứa nhiều hoá chất nên nhiều người đi bơi về bị ngứa mắt, ngứa kết mạc, ngứa bờ mi.

Thứ ba, sưng ống tai ngoài thường xuất hiện ở người có bệnh lý nền nhiều ráy tai. Khi gặp nước ráy tai ngấm nước sẽ trương to lên làm tai đau, ống tai ngoài bị viêm.

Cũng vì thế theo PGS Nguyễn Thị Hoài An, số bệnh nhân đến khám vì bệnh này ghi nhận rất nhiều. Thậm chí có những bé bị viêm ống tai giữa đến mức chảy cả mủ tai.

13 điều cần chú ý khi phụ huynh cho trẻ đi bơi - Ảnh 2

Bác sĩ Hoài An cho khuyên, khi đi bơi cần trang bị kính bơi, bịt tai. Nguồn ảnh: BVAV

Vì thế, PGS. Bác sĩ Hoài An cho khuyên, khi đi bơi cần trang bị kính bơi, bịt tai và đặc biệt không được dùng que bông kể cả bông ngoáy tai đã diệt khuẩn lau, ngoáy ống tai vì các hạt cát sẽ gây xước và nhiễm khuẩn thêm.

Sau khi bơi, chỉ cần nhỏ tai với dung dịch cloramphenicol hay dexclor (có bán ở các cửa hàng thuốc) ngày vài lần, mỗi lần trên 5 giọt cho chảy tràn qua lỗ tai. Dùng nước muối sinh lý để nhỏ mắt.

Khi có nước đọng trong ống tai, nên nghiêng đầu ngay sang một bên, day nhẹ nắp ống tai để nước tự chảy ra.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi đi bơi, phụ huynh cần lưu ý

1. Nên đưa trẻ đi khám bác sĩ xem bé có những bệnh mạn tính, đặc biệt về hô hấp, tai mũi họng hoặc những bệnh có nguy cơ lây nhiễm khi đi bơi không.

2. Nên chọn hồ bơi không quá đông người, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh. Hãy quan sát chọn hồ bơi có nước trong nhìn thấy đáy, ít rong rêu hoặc lá cây, không có mùi vị lạ. Sau khi bơi xong nên để ý đến những phản ứng lạ trên da.

3. Nên chọn huấn luyện viên hướng dẫn bơi bài bản cho trẻ ngay từ đầu để tránh những thói quen sai có hại cho sức khỏe.

4. Trẻ dưới 5 tuổi, mỗi lần xuống nước không nên ngâm lâu quá 30 phút, trên 5 tuổi chỉ nên bơi dưới 60 phút.

5. Cha mẹ hoặc người hướng dẫn cần giám sát trẻ thường xuyên khi trẻ bơi nhằm phát hiện sớm tai nạn xảy ra.

6. Nên bơi những hồ không quá đông người. Nên chọn thời điểm nhiệt độ ngoài trời không quá cao.

7. Nên thoa kem chống nắng.

8. Không nên ăn no hoặc để bụng đói quá khi xuống hồ bơi.

9. Nên vận động từ 10 đến 15 phút trước khi xuống hồ bơi.

10. Đeo kính và nón bơi để hạn chế lây nhiễm bệnh.

11. Nên bơi trong thời lượng vừa sức, nhớ uống nước đầy đủ.

12. Khi lên bờ tắm rửa sạch sẽ ngay với xà bông, rửa mắt, mũi, tai với nước muối sinh lý vô trùng, lau khô tai, xúc miệng với nước muối.

13. Khi phát hiện dấu hiệu lạ sau khi bơi, nên đến khám bác sĩ.