15 năm Hà Nội điều chỉnh địa giới: Bộ phận "một cửa" hiện đại, gần dân

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Công dân đến giao dịch cảm nhận được sự gần gũi hơn giữa cán bộ và người dân, bộ phận “một cửa” được trang bị hiện đại hơn, có sự thay đổi Bộ nhận diện thương hiệu cho đồng nhất… - đây là những bước tiến dễ nhận thấy sau 15 năm Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính.

15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 về “Điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, địa bàn rộng, khối lượng công việc đồ sộ hơn nhiều, nhưng bằng quyết tâm cao, công tác cải cách hành chính (CCHC) của Hà Nội đã có những bước tiến vượt bậc, với Chỉ số CCHC nhiều năm qua đứng trong top 10 cả nước. Một nguyên nhân quan trọng chính là bộ phận “một cửa” các cấp được quan tâm đầu tư ngày càng hiện đại, chuẩn hóa, nâng cao sự hài lòng của người dân.

Nơi kết nối chính quyền - người dân

Chiều thứ Tư, đã gần 16h30', công dân Phạm Thị Ngọc Lan (tổ 4 phường La Khê, quận Hà Đông) đến lấy kết quả cấp phép xây dựng, vẫn được công chức bộ phận “một cửa” UBND quận Hà Đông đón tiếp niềm nở. Bà Lan nộp hồ sơ vào ngày 1/8/2023, được hẹn trả kết quả ngày 22/8/2023, nhưng sáng 9/8/2023 đã được công chức quận gọi điện đến nhận kết quả.

“Tôi rất vui bởi vừa được nhận kết quả sớm 13 ngày, vừa được cán bộ đón tiếp rất hòa nhã, dễ chịu; không gian bộ phận “một cửa” thoải mái. Lần trước tôi đến làm thủ cụ cấp phép kinh doanh cũng rất hài lòng, vì dù kê khai hồ sơ bị nhầm lẫn, phải làm đi làm lại, nhưng vẫn được cán bộ hướng dẫn nhiệt tình, kịp nộp hồ sơ sang Chi cục Thuế quận”- bà Lan chia sẻ.

Công dân Phạm Thị Ngọc Lan (phường La Khê, quận Hà Đông) rất vui bởi vừa được nhận kết quả sớm 13 ngày, vừa được cán bộ đón tiếp rất hòa nhã, dễ chịu
Công dân Phạm Thị Ngọc Lan (phường La Khê, quận Hà Đông) rất vui bởi vừa được nhận kết quả sớm 13 ngày, vừa được cán bộ đón tiếp rất hòa nhã, dễ chịu

Có được sự đánh giá cao của người dân về chất lượng tiếp nhận và giải quyết TTHC như vậy, quan trọng do gần đây bộ phận “một cửa” UBND quận Hà Đông cũng như tại các phường trên địa bàn đã được quan tâm đầu tư ngày càng khang trang, hiện đại; cán bộ công chức (CBCC) tiếp nhận giải quyết hồ sơ được thường xuyên tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng giao tiếp ứng xử với công dân, tổ chức.

Thực hiện “Đề án mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC hiện đại các cấp trên địa bàn TP Hà Nội” do TP ban hành tháng 11/2022, Văn phòng HĐND&UBND quận đã triển khai hệ thống biển hiệu theo Bộ nhận diện thương hiệu đúng yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, gồm 1 biển hiệu nhỏ bên ngoài trụ sở và 1 màn hình LED trước cửa bộ phận “một cửa”. Tại 17/17 phường, bộ phận “một cửa” cũng đã triển khai Bộ nhận diện thương hiệu, thay thế các biển hiệu với nội dung cũ, không đúng logo và khẩu hiệu. 

Đặc biệt, trước có phường Yết Kiêu không đáp ứng yêu cầu diện tích thì đến năm 2022 đã được đầu tư mở rộng; không gian bộ phận “một cửa” từ quận đến 100% phường hiện đáp ứng đúng tiêu chuẩn diện tích (trên 40m2 với cấp phường, 200m2 với cấp quận). Quan sát cho thấy, tại đây chia thành 5 khu vực rõ ràng: Khu vực tiếp nhận và trả kết quả, khu vực ngồi chờ của công dân, khu vực cung cấp thông tin TTHC, khu vực đặt trang thiết bị hỗ trợ, khu vực cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Công dân đến giải quyết TTHC có đủ ghế ngồi chờ, quạt, điều hoà, nước uống, văn phòng phẩm, bàn viết… Ngoài ra, bộ phận còn bố trí tiểu cảnh trang trí, cây xanh, tạo không gian thân thiện, văn minh.

Không gian bộ phận ''một cửa'' tại UBND quận Hà Đông và 100% trên địa bàn đã đáp ứng đúng tiêu chuẩn diện tích, phân chia 5 khu vực rõ ràng
Không gian bộ phận ''một cửa'' tại UBND quận Hà Đông và 100% trên địa bàn đã đáp ứng đúng tiêu chuẩn diện tích, phân chia 5 khu vực rõ ràng

Phó Chánh văn phòng HĐND&UBND, Trưởng bộ phận “một cửa” UBND quận Hà Đông Mai Thị Kim Hồng cho hay, đến nay, bộ phận “một cửa” quận và 17/17 phường được đầu tư đảm bảo đầy đủ trang thiết bị theo yêu cầu, gồm cả máy tính, máy in, máy quét cho công chức và người dân. Dự kiến ngay trong quý III/2023, các trang thiết bị này sẽ được thay thế theo dự án “Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tại bộ phận “một cửa” quận và các phường” đáp ứng tiêu chí hiện đại theo Đề án của TP. Đồng thời, hệ thống mạng nội bộ, mạng internet tại các bộ phận đã được thay thế, lắp mới trong năm 2022, đảm bảo vận hành ổn định, liên tục. Hệ thống máy lấy số thứ tự và thiết bị đánh giá hài lòng của công dân, camera giám sát, máy photocopy cũng đã được trang bị đủ theo yêu cầu.

Song song đó, cơ bản đội ngũ CBCC tại bộ phận “một cửa” quận và các phường đáp ứng tiêu chuẩn; tác phong giao tiếp lịch sự, hoà nhã và trình độ nghiệp vụ, năng lực đáp ứng yêu cầu.

Khảo sát thực tế huyện Thường Tín- một trong những huyện thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) trở thành đơn vị hành chính của TP Hà Nội từ khi điều chỉnh địa giới, cùng với sự khởi sắc của KT-XH địa phương, công tác CCHC từ huyện tới các xã, thị trấn cũng ngày càng “thay da đổi thịt”- điều có thể cảm nhận rõ nét ngay từ bộ phận “một cửa”.

Bộ nhận diện thương hiệu được trang bị đồng nhất tại các bộ phận ''một cửa'' tại huyện Thường Tín cũng như trên toàn TP Hà Nội, với  biển hiệu ''hành chính phục vụ'' ngay từ ngoài cửa bộ phận
Bộ nhận diện thương hiệu được trang bị đồng nhất tại các bộ phận ''một cửa'' tại huyện Thường Tín cũng như trên toàn TP Hà Nội, với  biển hiệu ''hành chính phục vụ'' ngay từ ngoài cửa bộ phận

Trực tiếp làm việc tiếp nhận, giải quyết TTHC cho người dân nhiều năm qua, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, công chức bộ phận “một cửa” UBND huyện Thường Tín Nguyễn Thị Minh Hằng bộc bạch: “Hiện công dân đến giao dịch và công chức làm việc tại đây đều cảm nhận rõ sự gần gũi hơn giữa cán bộ và người dân. Điều này có được cũng nhờ thực hiện yêu cầu của TP, các trang thiết bị được đầu tư cho bộ phận “một cửa” nhiều hơn, hiện đại hơn... Đáng chú ý, có sự thay đổi Bộ nhận diện thương hiệu cho đồng nhất tại các bộ phận “một cửa” (gắn logo biểu tượng 5 bàn tay thể hiện sự kết nối chính quyền - người dân, biển hiệu “hành chính phục vụ”) ngay từ ngoài cửa bộ phận…”.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo rà soát, bảo dưỡng, bảo trì, bổ sung trang thiết bị tại bộ phận "một cửa" nhằm đáp ứng điều kiện làm việc của CBCC và phục vụ người dân. Năm 2021, UBND huyện đã đầu tư nâng cấp, lắp đặt trang thiết bị tại bộ phận “một cửa” cho 8 xã nông thôn mới nâng cao (Vạn Điểm, Nhị Khê, Văn Bình, Hà Hồi, Tự Nhiên, Duyên Thái, Minh Cường, Tô Hiệu) với tổng kinh phí 2,14 tỷ đồng, gồm những máy móc thiết bị hiện đại: Máy cấp số thứ tự màn hình cảm ứng, bàn phím điều khiển quầy, bảng hiện thị và bàn phím đánh giá chất lượng tại quầy, phần mềm đánh giá sự hài lòng, màn hình hiển thị kết quả 65 inch, cây nước nóng lạnh, quạt cây, ghế chờ công dân…

Ngay sau khi nhận được quyết định, kế hoạch của UBND TP về thực hiện “Đề án mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC hiện đại các cấp trên địa bàn TP Hà Nội”, đầu tháng 1/2023, UBND huyện đã ban hành kế hoạch, công văn triển khai thực hiện tới 100% cơ quan chuyên môn, UBND xã, thị trấn. Thực hiện mô hình bộ phận “một cửa” “Xanh - Sạch - Đẹp”, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đến đầu tháng 3/2023, mọi bộ phận “một cửa” trên địa bàn đã hoàn thành sử dụng Bộ nhận diện thương hiệu theo quy chuẩn chung.

UBND huyện Thường Tín thực hiện mô hình bộ phận ''một cửa'' Xanh - Sạch - Đẹp'', lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ
UBND huyện Thường Tín thực hiện mô hình bộ phận ''một cửa'' Xanh - Sạch - Đẹp'', lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Từ “một cửa” không đồng đều đến 100% “một cửa” hiện đại

Thực tế tại quận Hà Đông và huyện Thường Tín chỉ là 2 ví dụ điển hình trong tất cả bộ phận “một cửa” các cấp TP Hà Nội từ khi điều chỉnh địa giới đến nay về hiệu quả đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ. Đến bất kỳ bộ phận “một cửa” của xã nào trên địa bàn TP hiện đều dễ thấy sự khang trang, hiện đại hơn nhiều và đặc biệt không còn khoảng cách khác biệt giữa xã và phường.

Hiệu quả rõ rệt của bộ phận “một cửa” là toàn bộ thủ tục hành chính (TTHC) của người dân, doanh nghiệp được giải quyết theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, không còn tiếp nhận hồ sơ ở phòng chuyên môn, giúp tránh sự nhũng nhiễu, tiêu cực. Các đơn vị tăng cường rà soát, đơn giản hóa thành phần hồ sơ TTHC và công khai ở bộ phận “một cửa” để tiện cho người dân tra cứu.

Liên tục nhiều năm qua, TP duy trì các đoàn kiểm tra công vụ, kiểm tra công tác CCHC, trước hết tập trung kiểm tra cơ sở vật chất và chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ CBCC tại các bộ phận “một cửa”, qua đó kịp thời phát hiện những điểm thực hiện chưa chuẩn, để hướng dẫn các đơn vị chấn chỉnh cho đúng quy định.

Công dân tìm hiểu danh mục TTHC được niêm yết tại bộ phận ''một cửa'' UBND thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín
Công dân tìm hiểu danh mục TTHC được niêm yết tại bộ phận ''một cửa'' UBND thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín

Cùng với bố trí địa điểm, đầu tư xây dựng bộ phận “một cửa” đầy đủ trang thiết bị đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC, TP cũng quan tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng đội ngũ, trong đó thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp cho CBCCVC, nhất là ở vị trí trực tiếp giao dịch với công dân. “Thực hiện đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng CBCCVC TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030”, riêng năm 2022, TP đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo cho hơn 2.000 CBCCVC”- Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng cho hay.

 

"Tại các bộ phận “một cửa” từ huyện đến xã đã có sự thay đổi rõ rệt, chính là sự hiện đại và chuyên nghiệp. Trước kia, cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị hầu hết cũ, lạc hậu, kể cả hệ thống mạng, đường truyền chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết TTHC. Hơn nữa, hiện công chức của bộ phận, phòng ban chuyên môn nào thì trực tiếp nhận hồ sơ của lĩnh vực đó nên xử lý công việc tốt hơn. Nếu trước đây giao cho công chức Văn phòng đứng ra nhận hồ sơ rồi chuyển về cho các phòng, bộ phận thì nay, công chức của các bộ phận chuyên môn phải ngồi trực ở “một cửa” để trực tiếp nhận và xử lý hồ sơ hành chính. Ngoài ra, hiện người dân làm TTHC trên môi trường mạng nên nhanh, tiện lợi hơn, với nhiều hồ sơ nhập trên DVC trực tuyến mức độ 3, 4” - Chủ tịch UBND thị trấn Thường Tín (huyện Thường Tín) Lý Thị Thu Hương)

Đặc biệt, UBND TP đã ban hành Quyết định 4379/QĐ-UBND ngày 10/11/2022 phê duyệt "Đề án mô hình bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC hiện đại các cấp trên địa bàn TP Hà Nội". Theo đó, quy mô diện tích tối thiểu bộ phận “một cửa” cấp xã phải đạt 40m2; đủ 1 máy tính/1 CBCCVC làm việc, có kết nối internet và thông suốt; máy scan/1 máy tính đối với CBCC làm nhiệm vụ thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ; máy photocopy, máy lấy số tự động… cũng phải đảm bảo 1 thiết bị/1 đơn vị.

Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC luôn được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa nhũng nhiễu, chậm trễ. Năm 2022, toàn TP tiếp nhận giải quyết xong 1.050.339 hồ sơ, trong đó 1.045.875 hồ sơ giải quyết đúng hạn, đạt tỷ lệ 99,58%. Năm 2023, TP tiếp tục khuyến khích các cơ quan, đơn vị đăng ký, triển khai những mô hình, sáng kiến CCHC; qua nửa đầu năm đã có 18/22 sở, ngành đăng ký 19 sáng kiến và 29/30 quận, huyện, thị xã đăng ký 54 sáng kiến. Kết quả khảo sát, đo lường Chỉ số SIPAS năm 2022 cũng cho thấy người dân, tổ chức đánh giá cao sự phục vụ của các sở, cơ quan tương đương sở và UBND cấp huyện thuộc TP, với Chỉ số SIPAS trung bình của khối sở đạt 90,19%, tăng 1,07% và khối huyện đạt 93,49%, tăng 2,4% so với năm trước.

Phong phú mô hình, cách làm hay để phục vụ người dân được các địa phương chủ động triển khai tại các bộ phận ''một cửa'' (ảnh: Công chức bộ phận ''một cửa'' UBND phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng tiếp nhận giải quyết TTHC cho người dân)
Phong phú mô hình, cách làm hay để phục vụ người dân được các địa phương chủ động triển khai tại các bộ phận ''một cửa'' (ảnh: Công chức bộ phận ''một cửa'' UBND phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng tiếp nhận giải quyết TTHC cho người dân)

Bước chuyển rõ nét chính là về tinh thần phục vụ, với phong phú mô hình, cách làm hay để phục vụ người dân được các địa phương chủ động triển khai tại các bộ phận “một cửa”, như: “Một cửa thân thiện, hiện đại, gần dân” tại UBND huyện Chương Mỹ, “Ngày thứ Tư tốc ký” tại UBND quận Hai Bà Trưng và 18 phường, “Ngày không chờ” tại UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình), “Ngày không viết và ngày không hẹn” tại UBND thị trấn Phú Minh và UBND xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên)… Sự chủ động, sáng tạo ấy của các đơn vị là hướng đi đúng đắn, có ý nghĩa quan trọng vừa nâng cao chất lượng phục vụ người dân vừa góp phần nâng cao chỉ số CCHC của Hà Nội, càng giúp người dân thêm tin tưởng vào quá trình CCHC của TP.