15 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội: Hoài Đức chuyển mình mạnh mẽ

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2008, tổng giá trị sản xuất của huyện Hoài Đức là 2.330 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 13,4 triệu/năm. Đến năm 2023 tổng giá trị sản xuất là 31.209 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người/năm ước đạt 78 triệu.

Thực hiện Nghị quyết số số 15/2008/QH12, ngày 29/5/2008 của Quốc hội “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan”, trong 15 năm qua, huyện Hoài Đức đã nỗ lực vươn lên, tạo thêm những bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Đến năm 2016, huyện Hoài Đức có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2017, huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2019 cán bộ và Nhân dân huyện Hoài Đức được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện có 1 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 7 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Hiện huyện đang phấn đấu, năm 2023 hoàn thành thêm 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 9 xã nông thôn mới nâng cao. Giai đoạn 2024-2025 phấn đấu hoàn thành 3 xã nông thôn mới nâng cao và hoàn thành huyện nông thôn mới mới nâng cao. 

Trên địa bàn huyện Hoài Đức có thêm các khu đô thị mới, trong đó có Lideco 
Trên địa bàn huyện Hoài Đức có thêm các khu đô thị mới, trong đó có Lideco 

Trong 15 năm qua (2008-2023), huyện Hoài Đức đã chú trọng đầu tư nâng cấp, đầu tư xây dựng mới hạ tầng, vì vậy đến nay huyện có 1 khu trung tâm văn hóa - thể thao huyện, 6 trung tâm văn hóa các xã (đang tiếp tục đầu tư 8 nhà trung tâm văn hóa các xã), 130 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố và 6 nhà sinh hoạt cộng đồng của 6 tổ dân phố mới được thành lập. 

Quang cảnh khu đô thị Bắc An Khánh tại huyện Hoài Đức
Quang cảnh khu đô thị Bắc An Khánh tại huyện Hoài Đức

Năm 2022 toàn huyện có 95 trường, trong đó 79 trường công lập (32 trường mầm non, 25 trường tiểu học, 22 trường THCS), 15 trường tư thục và 1 trung tâm GDNN - GDTX. Số trường công lập đạt chuẩn Quốc gia là 61/79 trường, đạt 77,2%. Hiện huyện có 20/20 trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia về y tế (giai đoạn 2011-2020); đạt 7,4 bác sỹ/vạn dân, 17 giường bệnh/vạn dân. Toàn huyện có 319 cơ sở y tế ngoài công lập. Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn huyện đạt 93,1%.

Nếu như năm 2008 số hộ nghèo là 2.311 hộ, (tỷ lệ 5,39%), thì đến quý II/2020 trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo. 

Hạ tầng nông thôn ở huyện Hoài Đức đang chuyển biến từng ngày.
Hạ tầng nông thôn ở huyện Hoài Đức đang chuyển biến từng ngày.

Huyện Hoài Đức đang triển khai xây dựng 8 tuyến đường giao thông khung gồm: Đường vành đai 3.5 (chiều dài 4,9 km rộng 60 m) nối từ QL32- Đại lộ Thăng Long dự kiến hoàn thành năm 2024. Hoàn thành cải tạo nâng cấp kết hợp giao thông tuyến đê Tả Đáy (dài 16,7 km rộng 9m từ Đan Phượng- Hà Đông). Đồng thời, đang thi công 5 tuyến giao thông khung, mặt cắt ngang rộng trung bình 40-50 m dự kiến hoàn thành năm 2024-2025.

Huyện cũng đang triển khai nâng cấp, cải tạo 49,3km đường thành phố quản lý; toàn bộ các tuyến đường huyện, xã, thị trấn được bê tông hóa, nhựa hóa; mở mới 9 tuyến đường với chiều dài 25,2km. Đến nay, tổng số đường giao thông trên địa bàn huyện là 825,5km, đạt tỷ lệ 9,72km/km2, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của Nhân dân.

100% các tuyến đường trên địa bàn huyện đều đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đồng bộ với hệ thống chiếu sáng, đảm bảo kết nối với trung tâm hành chính các xã trên địa bàn huyện và các huyện lân cận. 100% các xã, thị trấn có hệ thống cung cấp nước sạch, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 92%... Đến nay huyện đã đạt 26/31 tiêu chí để trở thành quận. 

Huyện Hoài Đức luôn quan tâm phát triển giáo dục
Huyện Hoài Đức luôn quan tâm phát triển giáo dục

Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết: Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội (khóa XII) về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, huyện Hoài Đức đã đạt được kết quả toàn diện, giá trị sản xuất các ngành kinh tế của huyện tăng bình quân trên 10%/năm. Kinh tế chuyển dịch đúng hướng, duy trì mức tăng trưởng khá và tương đối bền vững.

Hệ thống kết cấu hạng tầng giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa. Xây dựng và quản lý đô thị theo quy hoạch có chuyển biến tích cực. Nhiều khu đô thị mới đã hình thành, bộ mặt đô thị khang trang, sáng - xanh - sạch - đẹp hơn. Công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường, GPMB đạt kết quả tích cực. Xây dựng nông thôn mới đạt thành tựu nổi bật. Sự nghiệp phát triển văn hóa xã hội đạt kết quả quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn.