15 tháng tù cho bảo mẫu vô ý khiến cháu bé 7 tháng tuổi tử vong

Minh Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xét thấy hành vi của bị cáo Chu Uyển Vân, bảo mẫu vô ý khiến cháu bé 7 tháng tuổi tử vong, gây hoang mang dư luận, trong cùng 1 lúc trông 4 đứa trẻ, lại không có kỹ năng xử lý tình huống, HĐXX tuyên phạt bị cáo 15 tháng tù giam.

Sau 1 ngày xét xử, TAND huyện Gia Lâm đã đưa ra án phạt cho bị cáo Chu Uyển Vân, bảo mẫu khiến cháu bé 7 tháng tuổi tử vong. Nói lời cuối cùng trước khi HĐXX nghị án, bị cáo Vân cho biết, để xảy ra sự việc của cháu K. bị cáo rất ăn năn, hối hận. Việc của cháu K. là việc mà bị cáo không hề mong muốn.

“Bản thân tôi rất day dứt. Tôi xin gửi tới gia đình cháu K. lời xin lỗi chân thành nhất, mong gia đình cháu K. thông cảm, HĐXX giảm nhẹ tội để tôi có cơ hội để sửa chữa sai lầm” – bị cáo Vân nói.

15 tháng tù cho bảo mẫu vô ý khiến cháu bé 7 tháng tuổi tử vong. Ảnh: N.D
15 tháng tù cho bảo mẫu vô ý khiến cháu bé 7 tháng tuổi tử vong. Ảnh: N.D

HĐXX nhận định, hành vi của bị cáo gây hoang mang cho dư luận. Bị cáo không có chuyên môn nghiệp vụ, không được đào tạo trông trẻ, không có kỹ năng xử lý tình huống nhưng trong cùng một lúc trông 4 đứa trẻ. Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, vì hoàn cảnh khó khăn, không hiểu biết để hậu quả xảy ra.

Bị cáo đang nuôi 4 con nhỏ và cũng tự nguyện khắc phục hậu quả 20 triệu đồng. Từ nhận định đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Chu Uyển Vân 15 tháng tù và đền bù thiệt hại cho gia đình bị hại hơn 150 triệu đồng.

Khi tòa tuyên án, chị H., mẹ bé K. bật khóc, đi không vững, phải có người dìu ra ngoài. Chia sẻ với PV sau phiên tòa, chị H. cho biết, bản án của bị cáo Vân quá thấp, gia đình chị tiếp tục kháng cáo.

Theo cáo trạng, Chu Uyển Vân muốn kiếm thêm thu nhập nên đăng tin lên hội nhóm trên mạng xã hội Facebook nhận trông trẻ em thuê. Tuy nhiên, bản thân Vân không được đào tạo về trông trẻ, không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép mở lớp trông trẻ tại nhà.

Ngày 9/1/2023, chị N.B.H. và chị T.T. liên hệ với Vân thuê trông con qua đêm. Vân đồng ý trông con chị T với giá 370.000 đồng/đêm và trông con chị H với giá 250.000 đồng/đêm. Chị T gửi cháu L.G.B. (sinh ngày 6/10/2022) cho Vân từ khoảng 14 giờ ngày 9/1/2023, còn buổi tối chị H. gửi cháu N.B.K để Vân trông giữ.

Theo cơ quan công tố, cháu bé trong tình trạng hoàn toàn bình thường được gửi cho Vân, cùng đồ ăn, quần áo, 2 gói sữa bột và 1 bình để pha sữa, bên trong có sẵn khoảng 210ml sữa. Cùng một lúc Vân trông 4 cháu nhỏ gồm cháu N.B.K., cháu L.G.B. cùng 2 con của Vân.

Khoảng 23 giờ cùng ngày, Vân cho cháu K. đi ngủ trong phòng ngủ cùng cháu B và 2 con của bị can. Khoảng 1h rạng sáng hôm sau, bé K khóc và tỉnh dậy nên Vân cho bé uống sữa mà chị H. đã pha sẵn.

Đến 7 giờ cùng ngày cháu K. tỉnh dậy và Vân cho bé uống được khoảng 100ml sữa. Cháu K ăn xong ngủ trên tay Vân. Vân bế cháu khoảng 2 phút, sau đó Vân nằm cùng cháu khoảng 5 phút và khép cửa phòng ngủ để ra ngoài phòng khách dọn bỉm của cháu.

Khoảng 10 phút sau Vân có nghe thấy 2 tiếng ho không rõ của cháu nào. Vân không kiểm tra mà tiếp tục dọn dẹp khoảng 5 phút sau Vân vào phòng ngủ thì thấy cháu K ho, có dịch ở mũi, chân giơ lên rồi đạp xuống nệm.

Vân nhận thấy cháu K. bị sặc sữa nên làm một số thao tác, sơ cứu song bé vẫn nôn và gồng mình lên. Sau đó, Vân thấy cháu K. lả đi, hơi thở yếu, không còn khóc.

Vì vậy, khoảng 7 giờ 50 phút cùng ngày Vân gọi điện thoại đến tổng đài cấp cứu 115 về việc có cháu bé sặc sữa. Được y sĩ trực cấp cứu hướng dẫn trong khi chờ xe tới, song do lo sợ, hoảng loạn nên Vân không tra cứu theo hướng dẫn và tiếp tục tự sơ cứu bịt mũi, thổi miệng và lấy 2 tay ép ngực cháu K và thấy cháu không cử động nữa, không phản xạ, mắt nhắm.

Khoảng 8 giờ cùng ngày Vân gọi điện thoại báo với chị H. sự việc. Khi xe cấp cứu đến, xác định bé K. đã tử vong nên bàn giao lại cho gia đình.