2 trong số 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả đã có lãi

Vũ Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 30/10, báo cáo tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Trong lĩnh vực Công Thương, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xử lý những tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả.

 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xử lý những tồn tại, yếu kém đối với 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả bám sát quan điểm, mục tiêu, nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội và đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay việc xử lý đã có kết quả tích cực: 2 dự án đã có lãi; 3 dự án đã vận hành, sẵn sàng vận hành trở lại; các dự án còn lại đang được tích cực xử lý, phấn đấu hoàn thành vào năm 2020.
Cũng trong lĩnh vực này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn để phát triển thương mại trong nước theo hướng hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, vệ sinh, môi trường, bảo đảm hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Đã chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể từng Bộ, ngành, chính quyền địa phương trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; các cơ quan chức năng đã tăng cường phối hợp trong thực thi nhiệm vụ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Thường trực Chính phủ cho biết, ngành công nghiệp ô tô đã phát triển khá nhanh trong 2 năm gần đây cả về sản xuất và lắp ráp, trong đó các chủng loại xe tải, xe khách, xe chuyên dụng đạt tỷ lệ nội địa hóa cao. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển ngành cơ khí với nhiều cơ chế chính sách và danh mục sản phẩm trọng điểm. Hiện nay xe Mazda đã được sản xuất trong nước; đặc biệt Tập đoàn Vingroup đã xây dựng một nhà máy hiện đại sản xuất xe mang thương hiệu Việt Nam là VinFast. Đã tăng cường quản lý nhà nước về an toàn hồ đập thủy điện; xây dựng và thực hiện các quy chế phối hợp trong vận hành hồ chứa, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực đến hạ du.
Liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường, Phó Thủ tướng Thường trực cho biết: Xác định bảo vệ môi trường là một trụ cột trong phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ các giải pháp, trong đó tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, chú trọng kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, hướng dẫn địa phương chủ động ứng phó, giải quyết các sự cố môi trường, nhất là tại các khu kinh tế ven biển. Tích cực triển khai đề án bảo vệ môi trường tại các làng nghề, ngăn chặn phát sinh ô nhiễm mới. Đã hoàn thành việc bồi thường, ổn định sản xuất và đời sống, phục hồi môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung. Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Quan tâm đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo thiên tai.
Đồng thời, đã chỉ đạo xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản; hạn chế tình trạng khai thác manh mún, nhỏ lẻ, kiên quyết ngăn chặn khai thác trái phép.