20 năm qua, vì sao HOSE không làm chủ được công nghệ?

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trả lời câu hỏi này, người đứng đầu UBCK Nhà nước cho biết, căn nguyên của vấn đề nghẽn lệnh đến từ cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan, đặc biệt là nhận thức còn hạn chế và triển khai chưa quyết liệt.

 Nghìn lẻ một lý do
Chia sẻ tại buổi tọa đàm "Nghẽn lệnh tại HOSE: Thực trạng và Giải pháp" do CLB Nhà báo Chứng khoán tổ chức ngày 24/6, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Trần Văn Dũng cho biết, HOSE là sàn giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam, bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2000, đến nay đã được 21 năm. Dù vậy, hệ thống giao dịch của HOSE hiện nay là do Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan cung cấp từ năm 2000. “HOSE không thể tự can thiệp nếu cần thay đổi”- ông Dũng nói.
 Đại diện UBCK thừa nhận, cơ quan quản lý muốn có một hệ thống hiện đại nhưng nhận thức còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm
Khi thị trường liên tiếp xảy ra quá tải, nghẽn lệnh từ tháng 12/2020 đến nay, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi tại sao trong suốt 20 năm qua HOSE không thể tự làm chủ được hệ thống công nghệ?
Vào tháng 7/2000, HOSE chỉ có hai mã cổ phiếu niêm yết là SAM và REE. Khi đó, Thủ tướng đã phê duyệt triển khai dự án hệ thống giao dịch nhưng HOSE chưa làm ngay vì không ai biết rõ về hệ thống và nhu cầu mua bán của nhà đầu tư còn thấp. Đúng lúc đó thì Sở giao dịch chứng khoán Thái Lan hỗ trợ một hệ thống giao dịch. "Cơ quan quản lý muốn có một hệ thống hiện đại, rất cầu toàn và yêu cầu cao nhưng nhận thức còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm nên khi triển khai còn khó khăn”- ông Dũng thừa nhận.
Theo ông Dũng, đến khoảng năm 2008, thanh khoản giao dịch tại HOSE bắt đầu lên cao nhưng do ký được hợp đồng bảo trì, nâng cấp hệ thống với phía Thái Lan nên cả UBCK và HOSE lại không quyết liệt triển khai hệ thống mới. Sau đó, HOSE ký hợp đồng với Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) để xây dựng một hệ thống giao dịch hiện đại hơn so với hệ thống cũ kỹ của Thái Lan.
“Ban đầu UBCK chỉ dự định làm hệ thống cho HOSE nhưng về sau lại muốn bao hàm cả HNX, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), từ chỗ chỉ để giao dịch cổ phiếu thì mở rộng sang cả trái phiếu, phái sinh, .... Quá trình thiết kế và định hình hệ thống mất nhiều thời gian và quy mô của dự án cứ tăng dần lên. Không may là đột nhiên một nhà thầu phụ rất quan trọng của phía Hàn Quốc bỏ cuộc, khiến KRX phải mất nhiều công tìm nhà thầu khác. Sau khi thiết kế xong và chuẩn bị kiểm thử thì lại xảy ra dịch Covid-19"- Chủ tịch UBCK diễn giải dài dòng.
Lại điệp khúc xin lỗi
Sau những giải thích dài dòng, tại Tọa đàm, lãnh đạo UBCK, HOSE và một số Công ty chứng khoán lớn đồng loạt lên tiếng xin lỗi nhà đầu tư, nhằm xoa dịu dư luận.
Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng, lãnh đạo UBCK cũng như các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường nên xin lỗi nhà đầu tư khi hệ thống của HOSE liên tục quá tải từ tháng 12/2020 đến nay. "Nhà đầu tư là những người trả phí cho công ty chứng khoán và sở giao dịch nên nhà đầu tư có quyền nhận được dịch vụ đúng như cam kết. Khi xảy ra nghẽn lệnh, dù vì bất cứ lý do gì, chúng ta đều nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi"- ông Hưng nói.
Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng cho biết, ông không chỉ nợ một lời xin lỗi mà nợ nhiều lời xin lỗi, vừa phải xin lỗi nhà đầu tư, vừa xin lỗi các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, nhà báo, ... những người tâm huyết với thị trường chứng khoán đã liên lạc với ông để nắm tình hình hoặc hiến kế giải quyết vấn đề nhưng ông không trả lời hết được.
Tổng Giám đốc HOSE Lê Hải Trà cho rằng, HOSE cũng phải nhận một phần lỗi.
Về tiến độ triển khai hệ thống mới, phía UBCK cho hay, quá trình chạy thử nghiệm hệ thống của KRX sẽ diễn ra trong khoảng 6 tháng và đến cuối năm 2021 có thể hoạt động chính thức.
Về hệ thống mà FPT đang triển khai, cả Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng lẫn Tổng Giám đốc HOSE Lê Hải Trà đều khẳng định sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6 hoặc chậm nhất là đầu tháng 7, nâng năng lực xử lý của HOSE từ 900.000 lệnh/ngày lên 3-5 triệu lệnh/ngày.