3 vấn đề cần quan tâm cho ngành ngân hàng tiếp cận cách mạng 4.0

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là nhân lực 4.0; cơ sở hạ tầng kĩ thuật số và khuôn khổ hành lang pháp lý.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang có những tác động mạnh mẽ và hứa hẹn sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, động lực cho các ngân hàng Việt Nam. Đây cũng là chủ để của Diễn đàn Ngân hàng bán lẻ Việt Nam 2017 đưa vào thảo luận: “Tương lai ngân hàng bán lẻ & dịch vụ thanh toán trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4” diễn ra sáng nay 6/12.
 Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo thêm nhiều cơ hội, động lực cho các ngân hàng Việt Nam phát triển mảng ngân hàng bán lẻ, đặc biệt trong việc tăng cường ứng dụng những giải pháp kinh doanh sáng tạo và công nghệ đột phá nhằm nâng cao năng lực quản trị, tự động hóa quy trình nghiệp vụ và phát triển các dịch vụ ngân hàng bán lẻ hiện đại hướng tới cung cấp trải nghiệm liền mạch cho khách hàng.
Những năm gần đây, các ngân hàng đều quan tâm và tập trung khai thác thị trường bán lẻ nên đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như đẩy mạnh hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, phát triển các loại hình dịch vụ mới, đa tiện ích và đã được xã hội chấp nhận như máy giao dịch tự động (ATM), internet bankinh, home banking, PC banking…
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho phép ngân hàng triển khai và nâng cấp điện tử lên tầm cao mới tiết kiệm nhiều chi phí. Những tiến bộ về kỹ thuật công nghệ đang làm thay đổi cấu trúc, phương thức hoạt động và cung cấp nhiều dịch vụ hiện đại của hệ thống ngân hàng, hình thành những sản phẩm dịch vụ tài chính mới như M-POS, Mobile Banking, công nghệ thẻ chip, ví điện tử…; tạo thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiết kiệm được chi phí giao dịch.
Nói về ngành ngân hàng trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV phân tích, Việt Nam được đánh giá khoảng 54% người dùng internet, 1 trong 3 nước có tốc độ số người dùng internet lớn nhất hiện nay cho thấy Viêt Nam có tiềm năng rất lớn để đón công nghệ 4.0.
Hiện nay, 40% ngân hàng bán lẻ sẽ cung cấp trực tiếp cho khách hàng. Dự báo trong năm tới doanh thu từ ngân hàng số chiếm 44% trong doanh thu của các ngân hàng song thách thức cũng rất lớn. Những thách thức đó là sự thay đổi mô hình kinh doanh và văn hóa kinh doanh sẽ bị thay đổi; đầu tư CNTT và rủi ro công nghệ. Theo ông Lực, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 7 nước có rủi ro công nghệ cao, ngoài ra là thách thức về nguồn nhân lực. Hàn Quốc, Đài Loan đã chuẩn bị lực lượng chất lượng cao. Trong khi ở Việt Nam nguồn nhân lực phân khúc này vẫn hạn chế.
Ông Lực cho rằng 3 vấn đề cần quan tâm thời gian tới là nhân lực 4.0; cơ sở hạ tầng kĩ thuật số và khuôn khổ hành lang pháp lý. Hiểu biết của khách hàng và khuôn khổ pháp lý là rất quan trọng. Việt Nam có vẻ hơi bị chậm để hỗ trợ cho công nghệ 4.0. Đơn cử như đối xử với tiền ảo thế nào khi hiện nay thế giới có 850 loại tiền ảo, tổng giá trị vốn hóa gần 300 tỷ USD, riêng Bitcoin khoảng gần 200 tỷ USD.