30 năm tái lập Sóc Trăng: Phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu vượt bậc

Xuân Lương - Hồng Lĩnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 1992, tỉnh Sóc Trăng tái lập và đi vào hoạt động. Sau 30 năm, tỉnh Sóc Trăng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu vượt bậc trên mọi lĩnh vực.

30 năm tái lập Sóc Trăng: Phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu vượt bậc - Ảnh 1

Trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã chia sẻ về những thành tựu nổi bật sau 30 năm tái lập tỉnh.

Phát triển mạnh mẽ

Sau 30 năm tái lập, tỉnh Sóc Trăng có 11 đơn vị hành chính trực thuộc, trong đó có 1 TP, 2 thị xã, 8 huyện. Có 4 đơn vị hành chính được thành lập mới: Cù Lao Dung, Ngã Năm, Châu Thành và Trần Đề. Toàn tỉnh hiện có 109 xã, phường, thị trấn, tăng 15 đơn vị so với năm 1992. Dân số tỉnh Sóc Trăng năm 2021 là 1.206.819 người. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, dân và quân tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng, phát huy lợi thế, tranh thủ các nguồn lực để xây dựng và phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng.

Một làng nông thôn mới ở Mỹ Tú, Sóc Trăng.
Một làng nông thôn mới ở Mỹ Tú, Sóc Trăng.

Tỉnh Sóc Trăng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc, tiềm lực kinh tế - xã hội được tăng cường, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Trải qua các kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh đề ra nhiều chủ trương, giải pháp toàn diện, trong đó, có những chủ trương mang tính đột phá, mở đường cho kinh tế - xã hội phát triển, đưa Sóc Trăng từ một tỉnh nghèo, thuần nông với cơ cấu nông, lâm, ngư nghiệp chiếm tỷ trọng 68,30%, công nghiệp, xây dựng chiếm 9,68%, dịch vụ chiếm 22,02% và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém, thu nhập bình quân đầu người thấp,… trở thành tỉnh cơ bản thoát ra khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển.

Quy mô kinh tế tỉnh Sóc Trăng được nâng lên, chuyển dịch đúng hướng. Năm 2021, quy mô kinh tế của tỉnh (GRDP - tính theo giá hiện hành) đạt 57.120 tỷ đồng, tăng 38 lần so với năm 1992; đứng hàng thứ 11 về quy mô kinh tế trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và chiếm tỷ trọng 0,68% so với cả nước; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 1993 - 2021 là 10,18%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 2.031 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phù hợp yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đột phá trong nhiều lĩnh vực

Giá trị sản xuất nông nghiệp (theo giá hiện hành) năm 2021 đạt 30.854 tỷ đồng, tăng 20,40 lần so với năm 1992. Sản lượng lúa hàng năm của tỉnh đạt trên 2 triệu tấn, tăng 2,4 lần so năm 1992. Đặc biệt, tỉnh đã chuyển dần sản xuất lúa theo hướng đặc sản, chất lượng cao mang lại giá trị thu nhập cao cho người sản xuất; từ diện tích lúa đặc sản, lúa chất lượng cao năm 2000 chỉ có 5.000ha (chiếm 1,35% diện tích) đến nay, tỉnh tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản (đặc biệt nhóm giống lúa ST); diện tích lúa đặc sản, lúa chất lượng cao các loại đạt 253.700ha (chiếm hơn 78,79% diện tích, tăng 50,7 lần so với năm 2000).

Diện tích nuôi thủy sản năm 2021 là 76.765ha, tăng 3,88 lần so với năm 1992. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2021 là 350.642 tấn, tăng 12,87 lần so với năm 1992, tốc độ tăng bình quân hàng năm 1993 - 2021 là 9,21%.

Trị giá xuất khẩu hàng hóa năm 2021 là 1.289 triệu USD, tăng 51,56 lần so với năm 1992; tốc độ tăng bình quân hàng năm 1993 - 2021 là 14,56%. Mặt hàng xuất khẩu năm 1992 chủ yếu là tôm đông lạnh, gạo, đến nay đã có thêm mực đông lạnh, chả cá, nấm rơm, hành tím và hàng may mặc; trong đó, mặt hàng tôm đông lạnh chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kim ngạch xuất khẩu của tỉnh (từ 75% trở lên), với lượng xuất khẩu tôm tăng bình quân 19%/năm trong giai đoạn 1992 - 2021, các loại thủy sản khác tăng 20%/năm và gạo tăng 5%/năm. Tính đến năm 2021, sản phẩm Sóc Trăng đã xuất khẩu đến khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với cơ cấu thị trường xuất khẩu chủ yếu vẫn là Mỹ (chiếm tỷ trọng 42%), Philippines (21%), EU (12%), Nhật (10%), Canada (5%), Trung Quốc bao gồm Hongkong (2,5%) và Úc (2%).

Hệ thống đô thị của tỉnh tăng về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trong khi đó giao thông vận tải phát triển đã thúc đẩy các ngành kinh tế tăng trưởng. Đường ô tô được đầu tư đến trung tâm các xã, phường, thị trấn đạt 100% (109/109 xã, phường, thị trấn).

Trong giai đoạn từ 2007 đến 31/12/2021, tỉnh đã tiếp xúc, gặp gỡ và cung cấp thông tin, giới thiệu cơ hội đầu tư hơn 1.000 lượt DN, nhà đầu tư; đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 310 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 100.696,9 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2018 - 2021, sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư và phát động khởi nghiệp của tỉnh (năm 2018), đã thu hút 64.569 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư thực hiện dự án tại tỉnh (tăng 1,79 lần so với giai đoạn 1992 – 2017).

Về phát triển DN, nếu như năm 1992 sau khi tái lập tỉnh, Sóc Trăng có 35 DN với vốn điều lệ đăng ký là 8,229 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2021 có 3.821 DN, với vốn đăng ký khoảng 50.000 tỷ đồng.

30 năm tái lập Sóc Trăng: Phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu vượt bậc - Ảnh 2