350 hồ chứa thủy lợi “có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào”

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Tỉnh nhấn mạnh thông tin trên tại cuộc họp về công tác khắc phục hậu quả và tái thiết sau mưa lũ cho các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên sáng 9/11.

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, trong giai đoạn mưa lũ, đơn vị đã chỉ đạo các địa phương túc trực 24/24 giờ, vận hành liên tục các hồ chứa. Nhờ đó, đã cắt giảm được 631 triệu m3/ 1,27 tỷ m3 nước đổ về các hồ chưad, góp phần giảm ngập lụt đáng kể cho vùng hạ du thuộc các tỉnh Nam Trung Bộ.
  Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ông Tỉnh cho biết, hiện nay nhóm hồ có cửa xả tràn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Nguyên nhân bởi đây đều là những hồ chứa dung tích nhỏ, đập đất, đã được xây dựng và vận hành từ lâu và do cấp huyện, xã quản lý (trình độ vận hành hạn chế). Do đó, yêu cầu các địa phương cần khẩn trương tổ chức chống tràn qua đập đất, lên phương án di dân trong trường hợp cần thiết.

Đến nay các hồ vẫn an toàn, trừ một số trường hợp do ảnh hưởng của lượng mưa quá lớn tạo dòng chảy đến hồ vượt quá thiết kế khiến xảy ra 5 sự cố tại Quảng Nam (xói sâu tràn xả lũ hồ Nước Rôn), Bình Định (xói lở tràn xả lũ hai hồ chứa Cự Lễ và Mỹ Đức), Khánh Hòa (sạt lở mái thượng lưu các hồ chứa Đá Bàn và Tiên Du). Tính từ đàu năm 2017 đến nay, cả nước để xảy ra 18 sự cố ở Thái Nguyên (1 hồ), Hòa Bình (4 hồ), Thanh Hóa (3 hồ), Nghệ An (1 hồ), Bà Rịa Vũng Tàu (1 hồ), Phú Yên (2 hồ), Hà Tĩnh (1 hồ) và 5 hồ như đã nêu ở trên.

Đáng lo ngại, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn TỈnh, trong số 1.200 hồ chứa thủy lợi cả nước đang xuống cấp nghiêm trọng, có 350 hồ chứa xung yếu đặc biệt nghiêm trọng, có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Theo đó, ông Tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí cho các tỉnh nâng cấp khoảng 750 hồ chứa đang xuống cấp nghiêm trọng, bảo đảm an toàn phòng chống thiên tai. 

Sẵn sàng di dân vùng hồ chứa không an toàn

*Chiều 9/11, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đã có Công điện số 88/CĐ-TW đề nghị các toàn bộ 63 tỉnh, TP khẩn trương triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn hồ chứa.

Công điện đề cập tới việc áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão. Hoàn lưu gây mưa sẽ khiến mực nước các hồ chứa tăng nhanh. Trong bối cảnh các hồ, nhất là hồ chứa vừa và nhỏ đều tích nước cao, diễn biến này là vô cùng nguy hiểm.

Để chủ động ứng phó với diễn biến mưa có khả năng ảnh hưởng tiêu cực tới các hồ chứa thủy điện và thủy lợi, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai đề nghị toàn bộ 63 tỉnh, TP cả nước khẩn trương rà soát mức độ an toàn của các hồ chứa, bổ sung vào phương án ứng phó trong các tình huống khẩn cấp sát với thực tế. Huy động mọi nguồn lực khắc phục sự cố, hư hỏng các hồ chứa. Đặc biệt, cần có phương án di dời người dân khu vực xung quanh các hồ chứa xung yếu, có nguy cơ mất an toàn cao, nhằm bảo đảm an toàn trong trường hợp xả lũ.

Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Công Thương trong xây dựng phương án vận hành liên hồ chứa, bảo đảm an toàn khi xả lũ cho hồ đập và vùng hạ du. Bộ TN&MT tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia theo dõi chặt chẽ, thông tin kịp thời diễn biến áp thấp nhiệt đới, nhất là lượng mưa, tạo điều kiện để các bộ ngành, địa phương có phương án xả lũ trong trường hợp khẩn cấp.