5 giải pháp để đẩy mạnh chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giai đoạn 2021 - 2030, Hà Nội phấn đấu 100% các trang trại chăn nuôi quy mô lớn được ứng dụng công nghệ cao sản xuất theo chuỗi có thương hiệu sản phẩm, được đánh giá đủ điều kiện chăn nuôi, an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp xác định 5 giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, về quy hoạch, tiến hành công tác quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao và công bố công khai quy hoạch vùng chăn nuôi để kêu gọi các cá nhân, DN đầu tư. Căn cứ quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung được UBND TP phê duyệt, trên cơ sở thực trạng sản xuất nông nghiệp cũng như hạ tầng kỹ thuật, các địa phương xác định, lựa chọn vùng, khu, trang trại đáp ứng các điều kiện ứng dụng công nghệ cao.

Thứ Hai, về chính sách, tiếp tục rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách hiện có về hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; thu hút đầu tư chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao để đề nghị T.Ư và TP sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu và hoàn thiện những nội dung không còn phù hợp. Đặc biệt là chính sách về đất đai, môi trường, xây dựng hạ tầng, giết mổ, an toàn thực phẩm, chợ đầu mối... Tập trung phát triển ở các khu, vùng đã được quy hoạch tại 5 khu chăn nuôi tập trung, 97 xã chăn nuôi gia súc, gia cầm trọng điểm với 119 trang trại chăn nuôi được ứng dụng mô hình chăn nuôi công nghệ cao.

Thứ ba, về khoa học - công nghệ, áp dụng các chính sách phát triển công nghệ cao hiện hành hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao như sử dụng chuồng kín, tự động hóa ở các khâu chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý dịch bệnh, xử lý môi trường chăn nuôi. Chú trọng công nghệ gen, công nghệ sinh học, công nghệ di truyền học đầu tư vào cơ sở sản xuất giống nhập nội bổ sung các giống cao sản, cải tạo giống, phục tráng các nguồn gen bản địa tốt cung cấp vật liệu di truyền để nhân giống, lai tạo giống phù hợp với nhu cầu sản xuất, tiêu dùng Thủ đô và xuất khẩu.

Thứ tư, về đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng đào tạo nước ngoài và đào tạo trong nước cho hệ thống cán bộ quản lý, các chủ DN, trang trại đáp ứng công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Đồng thời đào tạo nghề chăn nuôi công nghệ cao cho các đối tượng là lao động trong các DN, chủ hộ chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trong độ tuổi lao động theo quy định.

Thứ năm, về thị trường, dịch vụ hỗ trợ hoạt động chăn nuôi công nghệ cao. Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cơ khí hóa sản xuất thiết bị chuồng nuôi, thiết bị chế biến, giết mổ, máy chế biến thức ăn, chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm.

Với các giải pháp trên được quan tâm của các cấp, ngành, sự đồng thuận của người dân, chắc chắn chăn nuôi công nghệ cao trên địa bàn TP tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.