5 sự kiện công nghệ nổi bật nhất năm 2022

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cùng báo Kinh tế & Đô thị nhìn lại những điểm nhấn của ngành công nghệ thông tin Việt Nam trong 1 năm đã qua.

 

  1. Ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số

Vào ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược). Đây cũng là lần đầu tiên nhiệm vụ hai lĩnh vực này được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển Quốc gia. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Về tầm nhìn, Chiến lược chỉ rõ phát triển kinh tế số và xã hội số phải gắn liền với xây dựng và củng cố chủ quyền số quốc gia. Chủ động hội nhập quốc tế, mở cửa thị trường cân đối với phát triển sản xuất trong nước, thu hút nguồn lực đầu tư một cách chọn lọc, phù hợp với chiến lược quốc gia. Quản lý rủi ro trong quá trình chuyển đổi lên môi trường số, phát triển kinh tế số và xã hội số an toàn. Bảo vệ người dân, doanh nghiệp trước những nguy cơ, rủi ro, tác nhân xấu xâm hại tới lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp đồng thời chú trọng bảo vệ trẻ em và các đối tượng yếu thế trên môi trường mạng. 

Chiến lược có đề ra hàng loạt mục tiêu sẽ đạt được tới năm 2025 như: Tỷ trọng kinh tế số sẽ đạt 20% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% … Đến năm 2030: Tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GDP; Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%; Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20% …

Trong lĩnh vực xã hội số, mục tiêu cơ bản đến năm 2025 cụ thể: Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%; Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%; Tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%; Tỷ lệ hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang đạt 80% ….

Với Chiến lược trên, trong năm 2022, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đã diễn ra mạnh mẽ và hiệu quả hơn bao giờ hết. Điển hình có thể kể đến việc triển khai CSDL quốc gia về dân cư đã được thực hiện với tốc độ thần tốc từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. 

Tới hiện tại, CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối, liên thông với 47 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cấp trên 76 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; đồng bộ hơn 234 triệu thông tin tiêm chủng; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động..

2. Thông qua Luật sửa đổi một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, với 444 trong tổng số 447 đại biểu có mặt tán thành, chiếm tỷ lệ 89,16%, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023, Luật mới được xem là cơ sở cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của hoạt động viễn thông và tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Điểm nhấn của Luật sửa đổi lần này là hoàn thiện đồng bộ các quy định từ lập, ban hành quy hoạch tần số đến việc cấp phép tần số để quản lý, sử dụng tốt hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt là với những băng tần “quý hiếm”. 

Thông qua cơ chế quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được cấp phép sử dụng, cùng với những quy định tường minh hơn về đấu giá, thi tuyển, cấp trực tiếp sẽ giúp tạo lập môi trường viễn thông cạnh tranh, tránh độc quyền và giúp cho khâu thực thi cấp phép đối với băng tần “quý hiếm” được thuận lợi hơn. 

Cùng với đó là quy định về cam kết triển khai mạng viễn thông, xử lý vi phạm cam kết áp dụng đối với các trường hợp được cấp phép thông qua đấu giá, thi tuyển hoặc khi được cấp lại giấy phép sử dụng băng tần nhằm bảo đảm tần số phải được khai thác, sử dụng một cách hiệu quả, phù hợp với mục tiêu, kế hoạch phát triển mạng viễn thông mà Nhà nước đặt ra cho doanh nghiệp.

Luật sửa đổi cũng bổ sung quy định các trường hợp đặc biệt, được sử dụng tần số ngoài quy hoạch. Đây là những trường hợp có yếu tố quốc tế hoặc yếu tố công nghệ mới, sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy hoạch của các quốc gia mà không theo quy hoạch tần số của Việt Nam, sử dụng cho mục đích triển lãm, đo kiểm, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới, sử dụng trong các sự kiện quốc tế, hội nghị quốc tế. 

Quy định mới trên của Luật đáp ứng được yêu cầu thực tiễn thời gian qua và phù hợp với chủ trương khuyến khích đầu tư nước ngoài, ứng dụng công nghệ cao trong việc sản xuất, xuất khẩu các thiết bị viễn thông, thiết bị công nghệ thông tin của Việt Nam.

3.Chung tay ngăn chặn, xử lý cuộc gọi rác

Có thể khẳng định, chưa năm nào công cuộc “tuyên chiến” với cuộc gọi rác ở Việt Nam diễn ra mạnh mẽ và hiệu quả như năm 2022. Không chỉ có sự vào cuộc quyết liệt từ phía cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể ở đây là Bộ TT&TT mà còn có sự quyết tâm đến từ chính các nhà mạng.

Các nhà mạng ký cam kết xử lý cuộc gọi rác
Các nhà mạng ký cam kết xử lý cuộc gọi rác

Vào cuối tháng 8/2022 vừa qua, dưới sự chủ trì của Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), 8 nhà mạng gồm Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Local, Reddi, Itel và GMobile đã ký kết kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh. 

Theo đó, các doanh nghiệp viễn thông đều đều đưa ra cam kết trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác. Trong đó ưu tiên sử dụng các biện pháp kỹ thuật làm bộ lọc nhằm xác định đâu là cuộc gọi rác. Đồng thời kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng SIM rác còn lưu thông trên thị trường.

Tiếp nối sự kiện trên, từ ngày 1/11/2022, Bộ TT&TT đã triển khai thí điểm tổng đài 156 tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo qua hai hình thức thoại và tin nhắn. Đây là đầu số được sử dụng thống nhất trên toàn quốc và triển khai với tất cả các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông cố định, di động.

Về phía Bộ TT&TT, cơ quan này cũng đã có những động thái xử lý trực tiếp các nhà mạng khi để xảy ra tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Vào cuối tháng 9/2022, Bộ TT&TT đã xử phạt 7 doanh nghiệp viễn thông khi có vi phạm trong hoạt động quản lý thông tin thuê bao với số tiền gần 3 tỷ đồng.

Trong phần trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa X, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã trực tiếp đưa ra quan điểm: Nếu còn SIM rác thì sẽ không cấp phép các dịch vụ mới cho nhà mạng.

4. FPT sản xuất chip

Vào tháng 9/2022, FPT Semiconductor (trực thuộc FPT Software - Tập đoàn FPT) đã chính thức công bố dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) của Việt Nam cho lĩnh vực y tế. Toàn bộ quá trình nghiên cứu và phát triển dòng chip này được thực hiện tại Việt Nam bởi những kỹ sư của FPT Software.

5 sự kiện công nghệ nổi bật nhất năm 2022 - Ảnh 1

Được biết, các sản phẩm chip của FPT Semiconductor đang được phân phối các thị trường Úc, Đài Loan, Trung Quốc. Không chỉ đưa sản phẩm đến thị trường nước ngoài, đơn vị này còn định hướng tập trung triển khai, cung cấp chip “Make in Vietnam” đến các tập đoàn trong nước, nhằm góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam, trong giai đoạn 2023- 2025.

Dự kiến trong hai năm tiếp theo sẽ cung ứng ra thị trường toàn cầu khoảng 25 triệu đơn vị chip. 

Về kế hoạch dài hạn, FPT Semiconductor cũng hướng tới sản xuất chip phục vụ nhiều lĩnh vực, không chỉ mỗi y tế. Doanh nghiệp đặt kế hoạch đưa ra thị trường thêm 7 dòng chip khác nhau trong năm 2023, phục vụ các lĩnh vực công nghệ, viễn thông, IoT, thiết bị chiếu sáng, thiết bị thông minh, công nghệ trên ô tô, năng lượng, điện tử điện lạnh.

5. Samsung khánh thành Trung tâm R&D tại Hà Nội

Cuối tháng 12/2022 vừa qua, Tập đoàn Samsung đã chính thức khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội. Với tổng đầu tư 220 triệu USD, Samsung đã trở thành doanh nghiệp FDI đầu tiên xây dựng trung tâm riêng, chuyên về nghiên cứu và phát triển có quy mô lớn tại Việt Nam.

Trung tâm R&D của Samsung có vốn đầu tư lên tới 220 triệu USD
Trung tâm R&D của Samsung có vốn đầu tư lên tới 220 triệu USD

Được biết, việc xây dựng Trung tâm R&D tại Hà Nội là bước đi quan trọng trong kế hoạch nâng tầm vị thế của Việt Nam vượt qua vai trò là cứ điểm sản xuất toàn cầu để trở thành cứ điểm chiến lược về nghiên cứu và phát triển của Samsunng trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, Trung tâm này cũng sẽ đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các trường đại học trong nước tại các lĩnh vực công nghệ then chốt của tương lai như: Nâng cao tính chuyên môn về nghiên cứu công nghệ cốt lõi của thiết bị di động (đa phương tiện, bảo mật); Nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển đạt mức tự chủ trong các sản phẩm công nghệ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)/dữ liệu lớn (BigData)/Internet vạn vật (IoT)…  Đồng thời gia tăng hỗ trợ bồi dưỡng nhân lực công nghệ thông tin của Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2021, tổng số vốn đầu tư lũy kế của Samsung tại Việt Nam là 18,2 tỷ USD. Tập đoàn này hiện có các nhà máy sản xuất điện thoại tại Bắc Ninh và Thái Nguyên cùng với đó là khu tổ hợp sản xuất hàng gia dụng tại TP Hồ Chí Minh.

Hiện 50% tổng sản lượng điện thoại di động cung cấp trên toàn thế giới của Samsung đang được sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Samsung cũng đang tiến hành phát triển và kiểm định phần mềm (S/W) của thiết bị di động và Network tại Việt Nam.