5 Thành phố trực thuộc Trung ương sơ kết giao ước thi đua

Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/7, Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết giao ước thi đua 6 tháng năm 2019 tại Hà Nội - đơn vị Cụm phó Cụm thi đua.

Tham dự hội nghị, về phía đại biểu T.Ư có: Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà - Trưởng ban Ban Thi đua Khen thưởng T.Ư; Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Lê Quang Mạnh - đơn vị Cụm trưởng Cụm thi đua; lãnh đạo UBND các TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng.
Về phía đại biểu Hà Nội có: Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn.
 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị. 
Nhiều phong trào thi đua có sự đổi mới, sáng tạo
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: Xác định rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, lãnh đạo các TP Cụm thi đua 5 Thành phố trực thuộc T.Ư (gồm TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, TP Cần Thơ) luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, do đó công tác thi đua, khen thưởng của các TP trong những năm qua, nhất là 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt được kết quả đáng khích lệ, các phong trào thi đua đã từng bước đổi mới về nội dung, hình thức và phương thức hoạt động.
Cùng với phong trào thi đua có tính truyền thống, nhiều phong trào thi đua mang tính chuyên đề cũng được kết hợp triển khai có hiệu quả. Sự đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua của các TP đã góp phần tạo ra khí thế thi đua mới, đồng bộ và rộng khắp. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng, những điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Phong trào thi đua đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân các TP, góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, với vị trí là Thủ đô của cả nước, là đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và sự giúp đỡ có hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã cố gắng phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, động viên mọi nguồn lực, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, giành được nhiều thành tích to lớn, tạo chuyển biến sâu sắc, toàn diện trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội và quốc phòng - an ninh...
Hội nghị sơ kết giao ước thi đua 6 tháng năm 2019 Cụm thi đua 5 thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội để đánh giá những kết quả đã đạt được, xem xét những vấn đề còn tồn tại nhằm thúc đẩy công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đưa 5 thành phố phát triển nhanh, bền vững, góp phần quan trọng cùng cả nước hoàn thành các kế hoạch đã đề ra. Đây cũng là dịp để Hà Nội được đón tiếp các đại biểu tới thăm, tìm hiểu thêm về văn hóa, con người Thủ đô.
 Toàn cảnh hội nghị.
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2019, 5 TP trong cụm thi đua là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ tiếp tục tăng trưởng tốt, đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH chung của đất nước. Riêng về chỉ tiêu thu ngân sách, TP Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu với số thu ước đạt 193.310 tỷ đồng (đạt 48,43% dự toán). Hà Nội đứng thứ hai với 132.134 tỷ đồng (đạt 50,2% dự toán).
Hà Nội dẫn đầu về một số chỉ tiêu như: Thu hút du khách với 14,4 triệu lượt; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 5,3 tỷ USD; giảm tỷ lệ hộ ngèo còn 0,19%... Các TP cũng đã tổ chức tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, những gương điển hình tiên tiến; đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Hà Nội đề xuất cắt giảm hội họp

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND các TP đưa ra những giải pháp chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua, nhân điển hình tiên tiến, những mô hình tiêu biểu trong các phong trào thi đua.

Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu cho biết: Nhằm đổi mới công tác thi đua khen thưởng, TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ một số giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng tăng cường kỷ cương hành chính. Với phương châm “5 rõ”: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả” và “Một việc - Một đầu mối xuyên suốt”; kiểm tra công vụ, chấn chỉnh lề lối làm việc, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu.Cải cách hành chính được chỉ đạo quyết liệt theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và minh bạch hơn; thực hiện “Năm Kỷ cương hành chính” gắn với phong trào cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng.

Đẩy mạnh sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan trong toàn hệ thống chính trị phù hợp với mô hình tổ chức mới theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển theo hướng “Xác định lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là đối tượng để phục vụ”; tổ chức các hội nghị chuyên đề đối thoại với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; xây dựng, điều chỉnh các cơ chế, chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp và đẩy mạnh thu hút đầu tư. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, rút gọn thủ tục hành chính; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của cả nước.

Thứ hai, việc tổ chức các phong trào thi đua được đổi mới về nội dung, luôn bám sát và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của T.Ư, TP; các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của từng giai đoạn để triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, vận dụng linh hoạt, sáng tạo như: Hướng các đơn vị tập trung lựa chọn những khâu yếu, việc khó để xây dựng mô hình, giải pháp và phát động các phong trào thi đua chuyên đề với mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Tổ chức các phong trào thi đua đặc thù toàn Thành phố có sức lan tỏa như phong trào: “Người tốt, việc tốt”; “Toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, “Trật tự văn minh đô thị”, “An toàn thực phẩm”, “Kỷ cương hành chính”,…

Thứ ba, công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến được chú trọng, đổi mới với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2019, TP đã khen thưởng được 381 gương điển hình là công nhân, nông dân, cán bộ cơ sở và người lao động trực tiếp. TP đã chỉ đạo Ban Thi đua - Khen thưởng phối hợp với các cơ quan báo, đài của T.Ư và TP mở các chuyên trang, chuyên mục về công tác thi đua, khen thưởng, cụ thể như: Tạp chí Thi đua - Khen thưởng Trung ương với chuyên mục “Gương sáng Thủ đô” và chương trình tọa đàm trực tuyến “Nhớ lời Bác dạy”; Báo Nhân Dân với chuyên trang Hà Nội; Đài PT-TH Hà Nội với chuyên mục “Người tốt quanh ta” tuyên truyền mỗi ngày 01 gương điển hình trong Chương trình Hà Nội buổi sáng cùng 06 chương trình tọa đàm về gương ĐHTT, NTVT trên các lĩnh vực; Báo Hànộimới với chuyên mục “Nét đẹp người Thủ đô” và chương trình tọa đàm trực tuyến “Cho đi là còn mãi”; Báo Kinh tế & Đô thị với chuyên mục “Người tốt, việc tốt” và 01 chương trình tọa đàm giao lưu trực tuyến nhân dịp kỷ niệm 20 năm “Thành phố vì hòa bình”; và 02 trang chuyên đề “Những bông hoa đẹp Thủ đô”, “Mô hình mới, cách làm hay”trên mạng xã hội Facebook.

Với sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự cố gắng của doanh nghiệp và toàn thể nhân dân, kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019 của Thủ đô đạt được kết quả tích cực: Tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn tăng 7,21%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 132.134 tỷ đồng (đạt 50,2% dự toán). Hoạt động xuất khẩu tăng 5,4% so cùng kỳ; nhập khẩu tăng 4,6%. Vốn đầu tư xã hội trên địa bàn đạt 140.000 tỷ đồng (tăng 10,5% so cùng kỳ).

Số doanh nghiệp mới được thành lập là 13.690 doanh nghiệp; tổng số vốn đăng ký thành lập mới là 143.700 tỷ đồng (tăng 10%). Lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 14,4 triệu lượt người (tăng 17,2% so cùng kỳ). Sự nghiệp văn hóa tiếp tục phát triển, tổ chức tốt công tác phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 tại Hà Nội. Giáo dục và đào tạo tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước về chất lượng và số lượng các giải. Quốc phòng an ninh được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hà Nội hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2018 xếp thứ 9/63, tăng 4 bậc, hoàn thành sớm 02 năm mục tiêu nhiệm kỳ; chỉ số cải cách hành chính giữ vững vị trí 2/63; Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền (SIPAS) tăng 16 bậc...

Để công tác thi đua, khen thưởng của các TP và Cụm Thi đua tiếp tục được phát huy hơn nữa trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đề xuất, kiến nghị cần đổi mới hoạt động Cụm thi đua theo hướng giảm hội họp; tạo điều kiện thăm quan, học tập kinh nghiệm các mô hình điển hình tiên tiến tại các địa phương, đơn vị.

Ngoài ra, đề nghị Ban Thi đua - Khen thưởng T.Ư sớm tham mưu sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng và Nghị định hướng dẫn thi hành, trong đó quan tâm để các ban, bộ, ngành, địa phương được chủ động tổ chức phong trào thi đua và khen thưởng theo thẩm quyền. Đặc biệt không quy định cứng là phải họp Hội đồng Thi đua - Khen thưởng để xét khen thưởng cấp Nhà nước được kịp thời.

“Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà đánh giá 5 thành phố trực thuộc T.Ư có 3 điểm mới trong công tác thi đua. Trong đó, hệ thống văn bản luôn được rà soát và hoàn thiện để cập nhật với các quy định của pháp luật hiện hành. Nhiều TP có ban hành các quy định theo đặc thù riêng của mình, điển hình như Hải Phòng ban hành cơ chế khen thưởng cho các học sinh giỏi đạt giải quốc gia, quốc tế; hay Hà Nội khen thưởng cá nhân có thành tích đột xuất cho doanh nghiệp, công nhân, nông dân…

Bên cạnh đó, các TP đã đổi mới, sáng tạo trong việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo đặc thù của từng tỉnh, bám sát vào những việc khó để tập trung giải quyết, có tiêu chí cụ thể cho từng đối tượng. Đối với 4 phong trào trọng tâm đã có tiến bộ rõ nét, nhất là phong trào doanh nghiệp hội nhập phát triển, có chính sách tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Cùng với đó, tuyên truyền bài bản về công tác thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Trong công tác tuyên truyền, Thứ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý các TP cần quan tâm khen đột xuất, kịp thời, nhất là khen thưởng người lao động, chuyên viên, nông dân, công nhân và có nhiều hình thức biểu dương, tôn vinh.

Nêu việc ấn tượng với Hà Nội về việc luôn phát động thi đua sớm, hiệu quả, Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương đề nghị các đơn vị cần học tập cách làm của Thủ đô để các phong trào thi đua lan tỏa hơn nữa.

Đồng ý với ý kiến các thành phố về việc thủ tục khen thưởng hiện đang rườm rà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đang xem xét, xin ý kiến các đơn vị để đề xuất cắt giảm các thủ tục. Đáng chú ý, sắp tới Bộ Nội vụ sẽ đưa vào sử dụng phần mềm phục vụ công tác khen thưởng…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, công tác thi đua cần luôn đổi mới, hiệu quả hơn theo tinh thần “Thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đặc biệt, việc cải cách hành chính chưa đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp, đồng chí Trần Thanh Mẫn nêu việc có nơi, có chỗ gặp Chủ tịch, Phó Chủ tịch TP thì dễ, chứ gặp cán bộ cơ sở có khi khó khăn và đề nghị 5 thành phố đặc biệt quan tâm phát động thi đua trong công tác cải cách hành chính, thủ tục làm sao đơn giản nhất để phục vụ nhân dân; nâng cao chất lượng quản lý, phòng chống tham nhũng lãng phí.

5 thành phố cũng cần tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm, các mô hình tốt, cách làm hay; Phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua nhất là cán bộ, công chức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phấn đấu theo như chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ: “Kết quả năm 2019 phải gấp đôi 2018”...